Du khách ghé thăm quần thể khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có cơ hội được tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam qua những di tích, di vật, hiện vật quý giá.

Theo bảng thông tin đặt tại khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, khu khảo cổ nằm ở số 18 phố Hoàng Diệu (phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) và cách nền điện Kình Thiên khoảng 100m về phía Tây, thuộc quần thể di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Trước khi mở cửa để du khách tham quan, đây từng là nơi viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất trong lịch sử Việt Nam vào năm 2002. Từ 2/10/2010, khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích 45.532m2. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Ghé thăm khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, du khách có thể chiêm ngưỡng số lượng lớn di tích, di vật, hiện vật đa dạng, phong phú thuộc nhiều triều đại, thời kì lịch sử của nước ta từ thời Đại La (thế kỷ 7-9), thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10),… đến thời Lê Trung Hưng (1593-1789) và thời Nguyễn (1802-1945). Ảnh: Nguyễn Tùng.

Ngay tại lối vào được đặt một khu trưng bày ngoài trời, tại đây trưng bày các loại vật liệu ngói, gạch,… thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Ngoài ra, tại mỗi điểm di tích, di vật sẽ có những bảng giới thiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh giúp du khách ghé thăm tự do tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Để thuận tiện cho du khách ghé thăm, khu khảo cổ được chia làm 4 khu A, B, C và D. Trong đó, khu A-B có tổng diện tích gần 11600m2 và được ngăn cách bằng một dòng sông cổ được đào vào đầu thời Lê Sơ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Theo các nhà nghiên cứu, khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long vô cùng đặc biệt bởi nó là sự giao thoa, tập trung của các thời đại nước ta suốt 1300 năm qua. Mỗi lớp đất lại cất giấu trong mình một câu chuyện riêng, nắm giữ tinh hoa từ lúc khai sinh đến khi suy tàn của một thời kỳ lịch sử. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Phía trong cùng của khu A-B treo những cột của bộ khung nhà bằng gỗ 13 gian được xây dưng vào thời nhà Lý (thế kỷ 11-12) với diện tích khoảng 565 m2, nằm theo chiều Bắc Nam. Ngắm nhìn mô hình được phục dựng, du khách khó có thể tưởng tượng độ bề thế của công trình kiến trúc cổ này. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Chân tảng đá kê cột có niên đại hơn 1000 năm được bảo quản khá nguyên vẹn và vẫn có thể nhìn rõ các cánh hoa được tỉ mỉ điêu khắc bởi các thợ thủ công thời kì trước. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tại khu di tích, du khách có thể bắt gặp nhiều giếng cổ với tuổi đời, độ sâu khác nhau. Đặc biệt nhất là chiếc giếng nước thời Trần (thế kỷ 13-14) có độ sâu 2,4m và được xây bằng gạch hình “xương cá”. Đây có thể coi là chiếc giếng gạch có kỹ thuật xây dựng độc đáo và đặc biệt nhất tại khu khảo cổ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Theo các công nhân tại khu khảo cổ, viêc vệ sinh được diễn ra cẩn thận, tỉ mỉ hàng ngày nhằm giúp các di tích, di vật, hiện vật lịch sử không bị nấm mốc, ẩm thấp dẫn đến hư hại, giảm giá trị. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Sau nhiều năm mở cửa đón du khách, một số điểm tham quan đã tạm thời bị đóng để tiến hành cải tạo, sửa chữa. Khu C của di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, nơi cất giữ dấu tích kiến trúc mặt bằng hình Bát Giác thời Lý nay đã được chăng bạt và cấm ra vào. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Không chỉ được chế tác bởi các nghệ nhân Việt Nam, các nhà nghiên cứu nhận định một vài hiện vật gốm sứ còn có xuất xứ từ các nước láng giếng như Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Á. Điều này càng khẳng định cho sự giao thao văn hoá mang giá trị toàn cầu kéo dài hơn 13 thế kỷ của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tham quan khu di tích khảo cổ, du khách không thể không ghé thăm di tích Đoan Môn. Kiến trúc cổ này được xây dựng vào thời nhà Lý và là lối vào Cấm thành, một phần quan trọng của Hoàng thành Thăng Long xưa. Ảnh: Nguyễn Tùng.