Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia do VEFAC – công ty con Vingroup làm chủ đầu tư có quy mô 90 ha, tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng đang được xây dựng ở huyện Đông Anh, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025.
Sơ đồ vị trí Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia mới trên tuyến đường kết nối với cầu Tứ Liên theo quy hoạch.
Thiết kế phối cảnh của Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025. (Ảnh: Vingroup)
Ngày 30/8 vừa qua, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội đã được khởi công. Dự án này có mặt tiền nằm trên quốc lộ 5B (đường Trường Sa), gần các cầu cầu Đông Trù, Nhật Tân.
Đây được đánh giá là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nhằm thay thế cho Trung tâm Triển lãm cũ tại Giảng Võ, với diện tích hơn 90 ha, khi hoàn thành sẽ nằm trong top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia có tổng mức đầu tư hơn 7.336 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã chứng khoán: VEF) – công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm 87,97% tỷ lệ sở hữu (tính đến 30/9).
BCTC quý III vừa công bố của VEFAC cho thấy, chi phí xây dựng dở dang tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tính đến ngày 30/9 là hơn 829 tỷ đồng.
Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2020, đến tháng 9/2023 được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Đông Anh. Hạng mục chính của dự án là 4 khu công viên triển lãm ngoài trời với tổng diện tích 20,6 ha.
Bên cạnh đó, tại đây sẽ có công trình triển lãm trong nhà mang hình ảnh thần Kim Quy với 9 phân khu có tổng diện tích hơn 130.000 m2 và hai nhà triển lãm trong nhà quy mô nhỏ khác cùng các công trình phụ trợ…
Trong báo cáo mới đây, Vingroup cho biết sẽ thực hiện đúng cam kết là hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng vào khoảng tháng 7/2025.
Tại Đông Anh, bên cạnh Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, VEFAC còn đang triển khai một dự án khác là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (Vinhomes Cổ Loa) với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Cả hai dự án trên nằm liền nhau và có tổng diện tích hơn 300 ha, giáp tuyến đường quy hoạch nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3.
Với Vinhomes Cổ Loa, sau sự kiện kick-off vào ngày 6/9, dự án đã chính thức nhận booking. Dự án này bao gồm 12.600 sản phẩm cao tầng và 4.100 sản phẩm thấp tầng.
BCTC quý III cho thấy, tổng tài sản của VEFAC tại ngày 30/9 đạt gần 35.600 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với quý II và tăng thêm hơn 25.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng từ gần 1.300 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 21.900 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9, chủ yếu là các khoản chi phí liên quan tới việc thực hiện đầu tư dự án Vinhomes Cổ Loa. Khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận gần 11.600 tỷ đồng, tăng gần 7.400 tỷ đồng so với đầu năm.