Giữa cái nắng của mùa khô Tây Nguyên, vườn trồng cà phê xen với hồ tiêu rộng 2ha của bà Lê Thị Liên, ở thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang dần héo rũ vì thiếu nước. Đã hơn một tháng nay, nguồn nước từ hồ thủy lợi thôn Sơn Trung gần như cạn kiệt.

“Nước hồ cạn hết rồi, chúng tôi phải mua nước từ các giếng khoan, mỗi giờ là 50.000 đồng. Nhưng nước mua về chưa kịp lên đến rẫy đã hết, khổ lắm.
Mỗi lần mua nước xong, chúng tôi phải bơm lên một hồ chứa cách rẫy mấy cây số, rồi mới bơm tiếp lên vườn. Chưa kể, nước ít quá, chẳng đủ cho cây phát triển”, bà Liên than thở.
Cùng với đó, gia đình bà Liên cũng đầu tư khoan giếng, hy vọng tìm ra nguồn nước trong lòng đất. Tuy nhiên, nước giếng khoan chỉ đủ để sinh hoạt hằng ngày, chẳng thể thỏa mãn nhu cầu tưới tiêu cho vườn cây.

“Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải tận dụng từng giọt nước từ hồ thủy lợi, mỗi ngày một lần chúng tôi lại phải xuống vét nước lên. Mỗi lần tưới, chỉ đủ một giờ, rồi lại cạn”, bà Liên kể.
Tình trạng thiếu nước tưới cũng đang đẩy nhiều hộ dân ở các khu vực khác của huyện Đắk Mil vào cảnh lao đao.

Hồ Đội 40, nằm ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), đã cạn trơ đáy hơn 1 tháng qua.
Nhìn vườn cà phê hơn 2ha của mình ngày càng héo rũ vì khát nước, anh Nguyễn Bá Luân, ở thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao không giấu được vẻ lo âu. Anh Luân chia sẻ: “Cây héo từng ngày mà mình chỉ biết đứng nhìn, chẳng làm được gì. Xót ruột lắm chú ơi!”
Dù đã đầu tư mua 33 cuộn ống nhựa (mỗi cuộn dài 50m) để kéo nước từ hồ thủy lợi cách nhà hơn 1,5km, nhưng suốt một tháng qua, mực nước tại hồ gần như cạn kiệt. Trong khi đó, đợt tưới thứ hai cho cà phê vẫn chưa thể thực hiện.
Gia đình anh Luân đã cố vét số nước ít ỏi cuối cùng nhằm cứu vườn cà phê. Giữa lòng hồ thủy lợi chỉ còn một vũng nước nhỏ, nơi đó hàng chục máy bơm chen chúc nhau cắm vòi.
Không còn cách nào khác, anh Luân cùng hai hộ dân khác phải góp tiền mua nước từ một điểm khác. Chi phí cho mỗi giờ bơm nước lên tới 500.000 đồng, một con số không hề nhỏ trong bối cảnh mùa vụ đầy rủi ro.

Anh Nguyễn Bá Luân, người dân ở thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), kiểm tra tình trạng của chiếc máy bơm nước trong lúc làm việc.
“Tiền không tiếc, chỉ sợ bơm xong mà cây cũng không cứu được. Giờ đã tới đợt tưới lần thứ ba mà nước vẫn chưa thấy đâu.
Trong khi đó, vườn cà phê ngày một khô khốc. Chúng tôi đành xoay xở bằng cách đi vét từng vũng nước rỉ nhỏ còn sót lại dưới đáy hồ, tưới tạm để cây sống qua ngày. Nhưng cũng chẳng biết cầm cự được đến bao giờ…”
Theo ông Nguyễn Văn Thái, cách đây khoảng 20 ngày, đơn vị thủy lợi từng điều tiết nước từ hồ Tây (thị trấn Đắk Mil) về hồ Đội 40 nhằm “giải cơn khát” cho bà con. Nhưng lượng nước chẳng thấm vào đâu.
“Chưa kịp mừng thì nước đã hết. Hơn 20 cái máy bơm cùng hút một lúc, ai nhanh thì được, chậm là chịu”, ông Thái cho biết.

Theo ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, trên địa bàn có 7 công trình thủy lợi. Thế nhưng, đến nay đã có 6 công trình cạn kiệt nước. Tình trạng này đã diễn ra hơn 1 tháng nay.
Thời gian qua, đơn vị thủy lợi đã điều tiết nước từ Hồ Tây (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) về các hồ, đập trên địa bàn xã Đắk Lao. Tuy nhiên, vẫn không đảm bảo lượng nước tưới, một số giếng khoan của nhiều hộ dân cũng bị cạn kiệt.
Trước tình hình trên, chính quyền xã Đắk Lao đã kiến nghị công ty thủy lợi xem xét, tăng cường máy bơm, thường xuyên trung chuyển nước từ hồ Tây về các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn xã Đắk Lao.
Đồng thời, các cấp, ngành quan tâm, đầu tư cải tạo, nạo vét, nâng cấp lòng hồ, đập thủy lợi cũ. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ đầu tư thêm các hồ thủy lợi mới thì mới đáp ứng cơ bản nguồn nước tưới cho bà con trên địa bàn.

Tại xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), nhiều hộ dân cũng đang lâm vào cảnh tương tự khi đập thủy lợi trên địa bàn khô cạn suốt gần một tháng qua.
Ông Phạm Minh Trưng (ở thôn 8, xã Đức Mạnh) bùi ngùi chia sẻ: “Thời tiết ngày càng khó lường. Năm ngoái, El Nino khiến nguồn nước suy giảm đã đành. Nhưng năm nay, dù không có El Nino, hồ thủy lợi vẫn cạn trơ đáy”.
Để cứu lấy 1ha sầu riêng trồng xen cà phê và hồ tiêu, ông Trưng phải túc trực bên đập mỗi ngày, tận dụng từng dòng nước rỉ ra từ các khe mạch dưới đáy hồ.

Nhiều hộ dân chuyển sang tưới nhỏ giọt để tiết kiệm, nhưng lượng nước khan hiếm đến mức péc tưới cũng không hoạt động. Một số hộ khác buộc phải thuê máy móc đào ao, khoét đá tìm nước, chi phí từ 20–30 triệu đồng, song hiệu quả vẫn rất hạn chế.

Anh Trần Quốc Huy (ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh) cho biết: “Đất toàn đá bàn, đào ao rất khó. Có nước cũng chẳng được bao nhiêu, tưới hai lần là cạn. Phải chờ nhiều ngày mới có nước rỉ ra, tưới được vài tiếng rồi lại hết. Riêng tiền dầu mỗi lần bơm cũng gần 1 triệu đồng. Mùa khô này, chi phí tưới tiêu là gánh nặng lớn với nông dân”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil, tính đến ngày 31/3, tổng dung tích nước tại các hồ, đập trên địa bàn chỉ đạt khoảng hơn 42%. Hiện đã có 9 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý và vận hành bị cạn kiệt nguồn nước.
Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa bổ sung, nguy cơ hạn hán và thiếu nước tưới cục bộ sẽ xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là các xã: Đắk Lao, Đắk N’Drót, Đắk Gằn và Đắk R’la.
Năm 2024, do tình trạng nắng nóng gay gắt và khô hạn kéo dài, tỉnh Đắk Nông đã phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng, gây thiệt hại cho gần 8.900 ha diện tích cây trồng với tổng thiệt hại ước tính lên tới 430 tỷ đồng
Nguồn: https://danviet.vn/ho-thuy-loi-can-tro-day-nong-dan-dak-nong-chi-tien-khung-tim-nuoc-cuu-cay-d1322670.html