Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Hoà Bình: Trồng giống na ngoại cho quả siêu to khổng lồ, hái xuống bán 80.000 đồng/kg thu lãi gần tỷ đồng

Các giống na nhập ngoại lại có nhiều ưu điểm vượt trội. Một trong số đó phải kể đến giống na Thái được nhiều người ưa chuộng vì cho quả có độ thơm ngon và năng suất cao.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Bùi Văn Chựng, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy (tỉnh Hoà Bình) đã thành công với mô hình trồng cây na Thái kết hợp với chăn nuôi.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, anh Chựng loay hoay tìm kiếm một công việc phù hợp. Ở thời điểm chênh vênh lựa chọn định hướng cho tương lai, anh quyết định rẽ hướng khởi nghiệp, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Điều này khiến anh vấp phải sự phản đối của người thân trong gia đình.

Năm 2015, với số vốn ban đầu 200 triệu đồng vay từ Ngân hàng NN&PTNT, anh Chựng đầu tư nuôi 2.000 con gà, hơn 30 con lợn, 10 con bò, trồng 1 ha mía tím, 1 ha măng tây. Từ 2015 – 2017, giá cả thị trường không ổn định, chăn nuôi lứa được, lứa mất nên mô hình của anh cho hiệu quả không cao.

Riêng cây măng tây thời điểm ấy đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Được mùa, được giá, có ngày anh thu được 2 triệu đồng từ bán măng tây. Thế nhưng trái ngọt chẳng được bao lâu, cuối năm 2017, thiên tai ập đến. Do mưa lớn, nước ngập nên toàn bộ diện tích trồng măng tây bị mất trắng, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Không nản chí, anh Chựng tiếp tục nghiên cứu, tìm cây trồng phù hợp. Năm 2018, anh tình cờ xem được video hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na Thái của người dân tỉnh Sơn La. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, có giá trị kinh tế cao, kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định nên anh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ban đầu, anh trồng thử nghiệm 500 cây giống na Thái, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động để giảm nhân lực, chi phí sản xuất. Anh vừa trồng, vừa trau dồi kiến thức từ internet, sách, báo, tạp chí và tích lũy kinh nghiệm.

Sau thời gian dài cần mẫn, lứa na Thái thương phẩm đầu tiên đạt sản lượng trên 1 tấn. Với dấu hiệu tích cực, từ năm 2019 – 2020, anh Chựng trồng thêm khoảng 1.600 cây. Na Thái thành phẩm có trọng lượng trung bình khoảng 800g/quả, mẫu mã đẹp, mỏng vỏ, ít hạt, thịt quả mềm, ngọt. Giá thị trường từ 60.000 – 80.000 đồng/kg.

Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của anh Chựng có hơn 2ha trồng na Thái, trên 100 con lợn thịt, gần 600 con gà và 5 ha trồng một số loại cây ngắn ngày. Các sản phẩm đều có đầu ra ổn định ở thị trường trong, ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng… Đặc biệt na Thái thương phẩm được khách hàng ưa chuộng. Năm 2022, sau khi trừ mọi chi phí, tổng thu nhập của anh đạt 750 triệu đồng.

Cũng chọn cây na thái để trồng trên mảnh đất đồi của gia đình thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), anh Ngô Đình Minh có thu nhập trên 100 triệu.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm kinh tế vườn đồi, bố anh Minh là ông Ngô Đình Hòa đã từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên đất đồi Vạn Ninh. “Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề làm vườn đồi, bố tôi không muốn con theo nghiệp của ông mà định hướng theo học ngành du lịch. Nhưng dường như duyên nợ với cây, với vườn đồi đã ngấm vào tôi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Huế- Khoa Du lịch vào năm 2016, tôi đã từng bươn chải làm nhiều công việc tại thành phố Đà Nẵng, đến năm 2018, tôi quyết định về quê lập nghiệp, theo đuổi phát triển nghề truyền thống kinh tế vườn đồi của gia đình”, anh Minh chia sẻ.

Bằng tư duy dám nghĩ, dám làm của một người trẻ tuổi và qua tìm hiểu học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Minh đã mạnh dạn đưa giống na Thái vào thay thế một số loại cây trồng hiệu quả thấp đang trồng trong vườn. Mới đầu, anh thử nghiệm trồng 300 gốc na Thái kết hợp với 300 gốc bưởi da xanh trên 1 ha đất.

Quá trình chăm sóc, nhận thấy cây na Thái phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi, còn bưởi da xanh kém phát triển nên anh chuyển hẳn sang trồng thêm 300 gốc na Thái. Sau 3 năm chăm bón, cây na Thái sinh trưởng phát triển tốt, đến năm 2021, vườn na Thái của gia đình đã cho lứa thu hoạch chính vụ đầu tiên. Với sản lượng khoảng 1,2-1,5 tấn na thương phẩm, bình quân mỗi quả có trọng lượng từ 0,3 đến hơn 1 kg, giá bán khoảng 70.000 đồng/kg, anh Minh có thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Hiện nay, trên 2 ha đất vườn đồi, anh Ngô Đình Minh sở hữu 600 gốc na Thái trên 3 năm tuổi đã cho thu hoạch và khoảng 500 gốc na khác cũng đã hơn 1 năm tuổi. Anh đang tiến hành chăm bón để có thể cho thu hoạch lứa trái vụ vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

 

 

Bài viết cùng chủ đề: