Huyện giáp Hà Nội này đã đạt hơn 24.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có gần 22.000 tỷ đến từ việc cấp quyền sử dụng đất.

Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040 theo Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023. Văn Giang được định hướng trở thành đô thị loại II (thành phố thuộc tỉnh) năm 2030 và đô thị loại I (thành phố trực thuộc trung ương) vào năm 2050.

Ước tính quy mô dân số đến năm 2030, dân số Văn Giang được dự báo sẽ tăng vọt lên 750.000 người, gấp 6 lần so với hiện tại. Con số này cao hơn gấp 5,8 lần so với dân số thành phố Hưng Yên cùng thời điểm, được ước tính chỉ đạt 128.000 người.

UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND để triển khai các giải pháp để cụ thể hoá quá trình đưa huyện Văn Giang lên thành phố.

Cách quận Hoàn Kiếm khoảng 10km về phía Đông Nam, cùng với thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh), Văn Giang là đô thị vệ tinh gần lõi trung tâm thủ đô nhất, và là một trong những địa phương duy nhất không thuộc Hà Nội được quy hoạch trong khu vực đô thị trung tâm và vùng phụ cận.

Đô thị Văn Giang được quy hoạch có tính chất là trung tâm kinh tế (dịch vụ, thương mại, công nghiệp và phát triển nhà ở), văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

>> Ba nhà đầu tư hợp lực làm nhà văn hoá hình đĩa bay UFO đặc biệt nhất Việt Nam mang tên Bà tổ ngành sân khấu

Đến nay, huyện Văn Giang đang có 8 dự án đầu tư phát triển đô thị lớn với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.200ha. Điển hình trong số đó là khu đô thị Ecopark, một trong những dự án khu đô thị lớn nhất miền Bắc có tổng mức đầu tư lên đến 10 tỷ USD. Tiếp đến là VinhomesOcean Park 2 có tổng vốn đầu tư lên đến 1,6 tỷ USD, Vinhomes Ocean Park 3 mức đầu tư 1,4 tỷ USD… và hàng hoạt các dự án bất động sản lớn khác.

Bên cạnh đó, huyện này đang hiện hữu một số trường đại học về đầu tư, xây dựng như: Trường đại học Mở Hà Nội, Đại học Anh Quốc Việt Nam, Trường đại học Y khoa Tokyo…

Không chỉ chiếm ưu thế về khoảng cách địa lý, vị trí cửa ngõ giúp Văn Giang trở thành mắt xích quan trọng, kết nối thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Hồng thông qua các tuyến giao thông huyết mạch, bao gồm Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ĐT 379… Văn Giang còn sở hữu quỹ đất rộng, môi trường sinh thái tự nhiên và văn hoá giao thương đặc sắc.

Huyện này đang có hơn 100 toà cao tầng đang và sẽ được xây dựng, là huyện sở hữu số lượng toà nhà cao tầng bậc nhất cả nước.

Năm 2022, Văn Giang vụt sáng trở thành đơn vị hành chính cấp huyện có tổng thu ngân sách cao nhất cả nước. Huyện giáp Hà Nội này đã đạt hơn 24.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có gần 22.000 tỷ đến từ việc cấp quyền sử dụng đất.

Mức thu ngân sách này của huyện Văn Giang vượt xa mức thu ngân sách của quận 1 (TP. HCM – 17.800 tỷ đồng), quận nhiều năm giữ vị trí số một về thu ngân sách cả nước. Và nó cũng lớn gấp rưỡi tổng số thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm (14.700 tỷ đồng, quận cao nhất Hà Nội).

Về cơ sở hạ tầng, Văn Giang cũng là một trong những địa phương có nhiều dự án lớn chạy qua nhất. Cầu Mễ Sở – 1 trong 3 cầu lớn vượt sông Hồng thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô, kết nối huyện Thường Tín và huyện Văn Giang với tổng mức đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng sẽ được khởi công vào dịp 10/10/2024 và hoàn thành năm 2027. Khu vực trung tâm Văn Giang cũng đang được nghiên cứu và dự kiến xây dựng cầu Ngọc Hồi với tổng vốn đầu tư lên tới 11.700 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2027, dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng từ Thăng Long – Phố Hiến – Tam Chúc – Bái Đính – Chùa Hương… đi qua huyện Văn Giang, có tổng mức đầu tư dự kiến là 9.275 tỷ đồng cũng sẽ hoàn thành.

Nhờ những trợ lực đến từ hạ tầng cùng một lộ trình phát triển bài bản, huyện Văn Giang trong tương lai sẽ trở thành “điểm sáng” về BĐS của tỉnh Hưng Yên, sẽ là “vùng trũng” thu hút đầu tư trong tương lai.