Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện nay Việt Nam đã sản xuất được hải sâm giống mở ra cơ hội cho nghề nuôi hải sâm cát. Loài thủy sản có giá trị kinh tế cao dễ nuôi vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, cho nông dân thu lợi nhuận kép.

Hải sâm cát nuôi trong ao, lãi trăm triệu

Từ khi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) làm chủ công nghệ về sản xuất giống hải sâm cát, nhiều vùng ao đìa ở khu vực Nam Trung bộ vốn thả tôm thẻ chân trắng, ốc hương kém hiệu quả, bỏ hoang đã chuyển sang nuôi hải sâm cát.

Điển hình như tại vùng nuôi ở thôn Tân Sơn 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hiện nhiều hộ đang thả nuôi hải sâm cát rất hiệu quả. Đây là các ao đìa vốn thả nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương. Tuy nhiên do quá trình dài thả nuôi đã khiến môi trường suy thoái, việc thả nuôi tôm thẻ, ốc hương không còn hiệu quả.

Anh Võ Văn Thuấn, một người nuôi hải sâm cát ở thôn Tân Sơn 1 cho biết, gia đình anh đã chuyển nuôi hải sâm cát mấy năm nay. Ban đầu anh chỉ nuôi một ít diện tích thử nghiệm, thấy hiệu quả nên anh đã phát triển diện tích lên đến 2,5ha.

“Qua nhiều năm nuôi hải sâm cát, tôi thấy đối tượng này dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnɦ, tỷ lệ sống trên 90%, đặc biệt cải tạo môi trường tốt. Vì vậy vùng nuôi nào môi trường suy thoái có thể thả đối tượng này, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa cải tạo môi trường”, anh Thuấn nói và cho biết thêm, với diện tích 5 ao (mỗi ao 5.000m2), anh thả trung bình 5.000 con giống/ao, sau 6 – 8 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn nguyên con, tương đương từ 1 – 1,2 tấn đã sơ chế mổ ruột. Với giá bán trung bình khoảng 200 ngàn đồng/kg (đã mổ ruột), sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lãi hàng trăm triệu đồng.

Ngoài việc nuôi, hiện anh Thuấn còn ương giống hải sâm cát để cung cấp cho các hộ nuôi xung quanh khi chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản quảng canh kém hiệu quả. Theo đó, a Thuấn lấy nguồn giống từ Viện III với kích cỡ 2 – 3 phân, sau đó ương nuôi lên 5 – 7 phân để cung cấp cho người nuôi. Từ đó, người nuôi chỉ cần thả 2 – 3 tháng là có thể thu hoạch và có thể nuôi quanh năm. Được biết đến nay, tại khu vực thôn Tân Sơn 1 đã có hơn 15 ao, mỗi ao 5.000m2 đang thả nuôi hải sâm cát. Hầu hết người nuôi nơi đây đều đánh giá nuôi hải sâm cát không chỉ có hiệu quả, mà còn giúp cải tạo môi trường ao nuôi rất tốt.

Lợi ích kép với giá trị kinh tế cao

TS Nguyễn Đình Quang Duy, chuyên gia hải sâm thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, hiện các vùng nuôi từ tỉnh Bình Thuận đến Quảng Ngãi thả nuôi hải sâm sẽ rất hiệu quả. Bởi các vùng này có độ mặn, nhiệt độ ổn định, rất thích hợp cho hải sâm sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa tại miền Trung có nhiều diện tích đầm, vịnh kín gió nên hải sâm nuôi không bị trôi đi, ăn nhiều nên nuôi nhanh lớn.

Năm 2021, Viện III cùng Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cùng các hộ dân ở huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa đã xây dựng chuỗi liên kết hải sâm cát. Theo đó, Viện III cung cấp giống, hướng dẫn người dân nuôi hải sâm, sau đó doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm để phục vụ chế biến xuất khẩu sang các nước như Singapore, Trung Quốc…

Ông Lê Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cho biết, qua 3 năm liên kết với các hộ nuôi hải sâm cát tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và Phú Yên, người nuôi có lợi nhuận rất cao. Theo đó, Công ty cung cấp giống cho người nuôi khoảng 3 ngàn đồng/con và sau 6 – 8 tháng nuôi sẽ thu mua với giá từ 28 – 30 ngàn đồng/con. Theo đánh giá của Công ty sau 3 năm liên kết sản xuất, người nuôi có tỉ suất lợi nhuận từ 30 – 80%.

Hải sâm cát từ xa xưa đã được coi là một trong “tứ đại danh thái” của ẩm thực cổ truyền phương Đông. Hải sâm cát mang giá trị dinh dưỡng rất cao bên cạnh đó còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe, điều trị một số bệnɦ nan y. Hải sâm được tiêu thụ nhiều ở các nước châu Á, chỉ riêng Trung Quốc, nhu cầu mỗi năm lên hơn 200.000 tấn, giá trị gần 14 tỷ USD.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam là quốc gia làm chủ công nghệ về hải sâm cát. Hải sâm cát có cơ hội trở thành ngành hàng thủy sản mới, có giá trị cao nếu như xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Đây cũng là giải pháp để ngư dân đánh bắt ven bờ chuyển sang nuôi trồng hải sâm. Sắp tới, Tổng cục Thủy sản sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu hải sâm.

Nuôi hải sâm trong ao đem lại lợi ích kép cho người dân ven biển. Khi những vùng nuôi tôm, ốc bị ô nhiễm lại phù hợp để nuôi loài đặc sản này. Người nuôi có thể nuôi xen hải sâm cát vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm ao nuôi vừa có thêm nguồn lợi nhuận