IMG_2240

Không có bố, mẹ tâm thần, nữ sinh bật khóc khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học

Sinh ra không biết bố của mình là ai, mẹ lại mắc bệnh tâm thần, nữ sinh Trần Thị Quyên vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Đến khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, em mới oà khóc tuyệt vọng vì không biết lấy tiền ở đâu nhập học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Trần Thị Quyên (SN 2006, thôn Vĩnh Hương, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đạt 23,59 điểm. Em vừa nhận giấy báo đỗ vào Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), song khi cầm giấy báo nhập học, Quyên đã bật khóc nức nở.

W-tâm thần2.JPG.jpg
Không có bố, mẹ mắc bệnh tâm thần, Quyên đậu đại học nhưng tương lai vô định. Ảnh: Thiện Lương

“Em sinh ra chưa một lần biết mặt bố, mẹ lại mắc bệnh nặng. Thời gian qua, ngoài tiền trợ cấp của mẹ, em phải đi nhặt phế liệu để có thêm tiền học tập. Em rất vui khi biết mình đỗ đại học nhưng nhìn mẹ, ngẫm về gia cảnh của mình, em chỉ biết khóc. Em vào đại học cũng không có tiền để đi học. Nếu đi rồi, ở nhà ai sẽ chăm sóc mẹ”, Quyên trải lòng.

Để giảm bớt áp lực, em đã đăng ký NV1 vào ngành Giáo dục tiểu học của một trường ĐH Sư phạm nhưng không trúng tuyển. Niềm vui vỡ òa khi em đậu NV2 vào Ngành Thương mại điện tử của Đại học Kinh tế (Đại học Huế), song Quyên loay hoay không biết nên làm gì với tương lai phía trước.

W-tâm thần8.JPG.jpg
Hằng ngày Quyên phải đi nhặt ve chai, hái măng rừng để sinh tồn. Ảnh: Thiện Lương

Hoàn cảnh của nữ sinh Trần Thị Quyên quá đỗi ngặt nghèo. Em là con gái của chị Trần Thị Phước (SN 1982). Chị Phước mắc bệnh tâm thần, không lấy chồng rồi sinh ra Quyên. “Mẹ đi lang thang rồi sinh ra em, từ nhỏ em đã không biết bố mình là ai. Cách đây 2 năm, ông ngoại mất do bệnh ung thư dạ dày. Từ đó, em, mẹ và bà ngoại nương tựa vào nhau.

Em rất thương ông ngoại. Khi em bắt đầu vào học lớp 10, mọi người đều khuyên em bỏ học nhưng chỉ có ông nói rằng “con cứ đỗ cấp 3, rồi ông xoay xở cho con học, chỉ có học chữ thì con mới thoát nghèo được”. Thấm lời ông nói nên em luôn cố gắng học hành. Năm em học lớp 11 thì ông ngoại đau bệnh rồi mất đột ngột”, Quyên kể.

W-tâm thần5.JPG.jpg
Mẹ mắc bệnh tâm thần, đi lang thang rồi sinh ra Quyên. Ảnh: Thiện Lương

Cuộc sống của mẹ con Quyên phụ thuộc vào người bà già yếu nay đã ngoài 70 tuổi. Sống trong nghèo khó, bữa cơm còn thiếu thốn, cô trò nhỏ chỉ nặng vỏn vẹn 37kg. Trong căn nhà chật chội, tồi tàn, tài sản duy nhất mà Quyên có là chiếc điện thoại trị giá 3 triệu đồng mà em tự đi bán hàng, kiếm tiền mua được.

W-tâm thần4.JPG.jpg
Quyên nắm chặt tay mẹ, cầm giấy báo đỗ đại học trong nỗi buồn. Ảnh: Thiện Lương

Ngày nhập học cận kề, với khát khao được đến trường, hàng ngày Quyên đã cật lực đi nhặt ve chai, hái măng rừng để bán những mong có đủ tiền mua vé tàu lên đường vào Huế.

Em dự tính sau khi nhập học xong, em sẽ tìm việc làm như bưng bê cà phê, rửa bát chén ở nhà hàng để có tiền trang trải. Từ nhỏ em đã nhặt ve chai, hái rau rừng về bán. Em thích bán hàng nên muốn học Thương mại điện tử, nghĩ có thể sẽ phù hợp với bản thân”, nữ sinh cho hay.

W-tâm thần7.JPG.jpg
Căn nhà trống hoác của hai mẹ con. Ảnh: Thiện Lương

Điều Quyên lo lắng nhất ngoài chi phí ăn học suốt 4 năm thì mẹ không có người chăm sóc. Có người khuyên em nên gửi mẹ vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng em thương mẹ, sợ mẹ buồn hoặc suy sụp thêm nên chưa đành lòng. “Em sẽ cố gắng học tập để hai mẹ con có tương lai tốt hơn”, Quyên tha thiết.

Ông Thái Bá Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, hoàn cảnh của nữ sinh Trần Thị Quyên vô cùng khó khăn khi em không có cha, mẹ lại mắc bệnh tâm thần.

“Gia đình em không có thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, Quyên đã nỗ lực vươn lên trong học tập, thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế). Em sắp nhập học nhưng nhà quá nghèo, không có tiền. Mong rằng các nhà hảo tâm thương cảm, giúp đỡ để Quyên thực hiện được ước mơ”, ông Tuấn nói.