Ngày 9/12, theo UBND tỉnh Kon Tum, qua kết quả kiểm tra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 172 trạm cân, trong đó có 46 trạm cân thuộc tổ chức và 126 trạm cân thuộc các cá nhân, hộ gia đình.
Phần lớn các trạm cân thu mua nông sản tại tỉnh Kon Tum đều là của hộ gia đình và cá nhân, hoạt động theo mùa vụ, không thường xuyên, quy mô nhỏ lẻ, được lắp đặt tạm thời trong khuôn viên đất nhà vườn hoặc nông thôn.
Nhiều trạm cân chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký kinh doanh, không thực hiện đăng ký kinh doanh hoặc chưa tuân thủ các quy định về quản lý.
Giấy chứng nhận kiểm định của một số trạm cân đã hết hạn, nhưng chủ trạm chưa thực hiện kiểm định lại theo quy định. Vị trí xây dựng các trạm cân cũng không phù hợp với quy hoạch đô thị, nhiều trạm còn xây dựng trên đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Trong tổng số 172 trạm cân trên địa bàn tỉnh, có 20 trạm cân đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, 88 trạm cần tháo dỡ hoặc di dời, và 64 trạm cần bổ sung hồ sơ, thủ tục để tiếp tục hoạt động.

Các trạm cân thu mua nông sản không đủ điều kiện hoạt động mọc lên nhiều, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương cần tập trung rà soát các trạm cân hoạt động trên địa bàn quản lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trước đây và tuyệt đối không hợp thức hóa các hành vi vi phạm để điều chỉnh quy hoạch và xây dựng thêm các trạm cân.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các huyện, xã xử lý, buộc tháo dỡ các trạm thu mua nông sản không đủ điều kiện hoạt động.
Theo ghi nhận của PV, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, hiện các địa phương đã tiến hành yêu cầu tháo dỡ các trạm cân không đủ điều kiện.
Sáng 9/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), cho biết: “Các trạm cân nông sản của cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng đơn giản, hoạt động theo mùa vụ và có quy mô nhỏ lẻ”.
Ông Tuấn thông tin thêm, theo kết quả kiểm tra, trên địa bàn huyện Sa Thầy hiện có 16 trạm cân thu mua nông sản, trong đó 13 trạm không đủ điều kiện hoạt động và cần phải tháo dỡ.
Hiện, huyện đã triển khai lực lượng chuyên môn yêu cầu các trạm cân không đủ điều kiện tự tháo dỡ.
Ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), cho biết: “Trên địa bàn huyện có 22 trạm cân thu mua nông sản, trong đó chỉ có 1 trạm đủ điều kiện, còn 4 trạm phải tháo gỡ, 17 trạm cần bổ sung hồ sơ thủ tục pháp lý.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh Kon Tum, huyện đã triển khai lực lượng yêu cầu tháo dỡ 11 trạm cân không đủ điều kiện hoạt động. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ chỉ đạo các lực lượng chuyên môn tháo dỡ nốt các trạm cân trái phép còn lại”.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-phan-cac-tram-can-nong-san-trai-phep-tai-kon-tum-204241209111142975.htm