Mô hình chăn nuôi tổng hợp với gần 20 con trâu, ngựa, bò của gia đình chị Nùng Thị Phương, bản Cang Mường, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu…Từ mô hình nuôi trâu, nuôi ngựa, nuôi bò, mỗi năm gia đình chị Phương có thu nhập 250 triệu đồng.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với các mô hình kinh tế thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong đó, có chị Nùng Thị Phương (ở bản Cang Mường) là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã năm 2020.

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ xã tới mô hình chăn nuôi tổng hợp với gần 20 con trâu, ngựa, bò của gia đình chị Phương.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương nói: “Nhà tôi quyết định đầu tư nuôi đại gia súc gồm: trâu, ngựa, bò đến nay được hơn 10 năm. Trước đây, gia đình tôi nuôi diện tích hẹp và không có nhiều vốn nên chỉ chăn nuôi theo hình thức mua, bán nhanh chứ không nuôi lâu….”.

Theo chị Phương, cùng với đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và chưa có nhiều mối QH nên việc tìm đầu ra khó khăn. Sau nhiều năm buôn bán, chị quen biết nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh Lai Châu nên việc mua, bán trâu cũng thuận lợi.

Đến năm 2020 chị Phương cùng chồng mạnh dạn dùng số tiền tích cóp được cùng với vay ngân hàng đầu tư mua đất, xây dựng khu vực chuồng trại riêng biệt để chăn nuôi trâu, nuôi bò, nuôi ngựa vỗ béo với quy mô lớn và đảm bảo vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường…

“Mục sở thị” khu vực chuồng trại của gia đình chị Phương chúng tôi thấy 3 chuồng nuôi được bố trí hợp lý với hệ thống dẫn thải sạch sẽ, từng chuồng nuôi được ngăn cách và có kho dự trữ rơm rạ.

Chị Phương cho biết: “Gia đình tôi chủ động xây dựng kho trữ rơm rạ, cứ mỗi vụ mùa kết thúc tôi đi gom và thu mua của bà con trong bản để tích trữ làm thức ăn cho gia súc. Tôi cũng dành khoảng 5.000m2 đất vườn của gia đình để trồng cỏ voi…”.

Nhờ mua rơm tích trữ, trồng cỏ voi nên gia đình chị Phương đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Chị lựa chọn hình thức nuôi nhốt nhằm bảo vệ, theo dõi và chăm sóc tốt nhất cho trâu, bò, ngựa..

Cũng theo chị Phương, để trâu, bò, ngựa phát triển, bán được giá, đem lại thu nhập cao chị cùng chồng phân chia công việc.

Chị đảm nhận việc chăm sóc, chủ động tìm tòi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi bổ ích từ sách, báo, internet rồi áp dụng vào mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình.

Chị chú trọng tiêm phòng vắc-xin định kỳ theo quy định, giữ gìn vệ sinh chuồng trại và giữ ấm cho gia súc khi mùa đông đến.

Chồng chị tích cực tìm mối, thu mua trâu, bò, ngựa từ các xã trên địa bàn huyện Than Uyên, các tỉnh lân cận về nuôi vỗ béo.

Chồng chị kết hợp tìm mối tiêu thụ bằng cách tìm đến các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện, thành phố Lai Châu và tỉnh Lào Cai và đăng bán trâu, bò, ngựa trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

“Sau nhiều năm vất vả, đến nay trâu, bò, ngựa của gia đình tôi nuôi được thương lái từ thành phố Lai Châu và tỉnh Lào Cai, Sơn La ưa chuộng, sang thu mua. Để thuận lợi cho việc buôn bán trâu, bò, ngựa tôi và chồng đầu tư mua một chiếc ô tô tải. Khi khách có nhu cầu, tôi vận chuyển bán tận nơi…”, chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cho biết thêm, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế đi lại, sức mua trâu, mua bò, mua ngựa giảm một nửa so với mọi năm nhưng gia đình chị vẫn cố gắng đảm bảo việc chăn nuôi và buôn bán, chấp hành các quy định về phòng dịch Covid-19.

Hiện, gia đình chị Phương đang nuôi 4 con bò, 11 con trâu, 3 con ngựa. Từ đầu năm tới nay, gia đình chị xuất bán khoảng 50 con trâu, bò, ngựa, thu về khoảng 250 triệu đồng.