Ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) có hộ ông Giàng A Xóa vươn lên khấm khá nhờ dẫn nước thác, nước suối về nuôi cá hồi.

Vượt qua quãng đường hơn 25 km từ trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) về thôn Dền Thàng, xã Tả Van. Sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến thôn Dền Thàng để thăm mô hình nuôi cá hồi của gia đình ông Giàng A Xóa.

Dẫn chúng tôi xem những con cá hồi đẹp mắt, ông Xóa, phấn khởi: Thôn Dền Thàng vốn được thiên nhiên ưu đãi bởi bao quanh là những cánh rừng xanh bạt ngàn, với những con suối chảy róc rách.

Khí hậu mát mẻ cùng với nguồn nước dồi dào quanh năm, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để bà con trong bản Dền Thàng chúng tôi phát triển nuôi cá nước lạnh, như cá tầm, cá hồi…

Ông Xóa cũng giống như bao hộ dân khác trong thôn, vốn lập nghiệp bắt đầu bằng nghề nông, lên nương, làm rẫy. Trước kia, điều kiện kinh tế của gia đình ông Xóa chỉ đủ ăn, thu nhập bấp bênh.

Là một người năng động, dám nghĩ dám làm, cần cù, sáng tạo. Không bằng lòng với nghèo khó, sẵn lợi thế điều kiện khí hậu tại địa phương, ông Xóa đã tự học hỏi mô hình nuôi cá hồi nước lạnh từ các hộ dân khác trong thôn và những trang trại nuôi cá tầm, cá hồi trên địa bàn thị xã Sa Pa và tự tìm tòi cách nuôi qua sách, báo, tivi…

Để triển khai nuôi cá hồi thương phẩm, ông Xóa đã bán 2 con trâu của gia đình được hơn 60 triệu đồng để đầu tư, xây dựng 2 bể to và nhỏ; có hệ thống xử lý nước bằng ống nhựa PVC tiền phong để nuôi cá hồi. Ban đầu do ít vốn, còn thiếu kinh nghiệm nên ông chỉ đầu tư nuôi 1.000 con cá hồi.

Sau 2 năm nuôi nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, cùng với số tiền tiết kiệm bán cá lứa đầu tiên, ông Xóa tiếp tục đầu tư xây thêm một bể nhỏ thả cá giống và 3 bể to nuôi cá thành phẩm, quy mô một năm/lứa.

Để đảm bảo nguồn nước luôn sạch sẽ ông Xóa lắp ống nhựa PVC để có chỗ thoát nước thường xuyên.

Theo ông Xóa do cá hồi chỉ sống được ở nơi nước lạnh, sạch, lại dễ mắc bệnh nấm nên phải đảm bảo 100% nguồn thức ăn chất lượng, thức ăn của cá hồi phải mua từ nước ngoài do các trang trại cá nhập về, mỗi ngày đêm phải cho cá ăn 3 lần với thời gian cách đều.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên thăm bể cá để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá, kịp thời phát hiện các loại bệnh gây hại cho cá…

Nếu chăm sóc tốt thì nuôi từ 9 – 11 tháng cá đạt 1,5 kg trở lên cho xuất bán ra thị trường. Đến nay, mỗi lần thả ông Xóa nuôi từ 3.000 – 4.000 con giống, số tiền đầu tư giống lên đến gần 20 triệu đồng.Ông Xóa, bảo: Hàng năm, mô hình cá hồi của gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 2 – 3 tấn cá thành phẩm, với giá bán từ 150 – 200 nghìn đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhờ nuôi cá hồi đặc sản, giờ cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá, có thêm điều kiện chăm lo con cháu học hành chu đáo.