Các tổ chức, cá nhân sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi phương tiện phù hợp.

Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố.

Chưa áp dụng ngay

Vùng phát thải thấp là một khu vực có hạn chế hay kiểm soát phương tiện lưu thông dựa trên khí thải với mục tiêu giảm chất gây ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí của đô thị nói chung.

Theo đại diện Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, dự thảo nêu các tiêu chí, điều kiện và lộ trình xây dựng vùng phát thải thấp để quận, huyện, thị xã căn cứ vào đó xây dựng tại địa bàn mình tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội.

“Mục đích tổng thể của quy định này là để cải thiện chất lượng không khí, giảm ách tắc giao thông và bảo vệ sức khỏe cho người dân”, vị này nói.

Lộ trình Hà Nội cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm - 1
Hà Nội hiện có hơn 8 triệu ô tô, xe máy (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về một số ý kiến băn khoăn việc hạn chế phương tiện giao thông như xe máy gây ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến mưu sinh của một bộ phận người dân, theo đại diện Phòng Quản lý môi trường, năm 2021, Sở TN&MT đã xây dựng chương trình kiểm soát khí thải xe máy.

Hơn 5.000 xe máy đã được đo kiểm và kết quả hơn 50% không đạt mức khí thải cho phép.

Sở TN&MT Hà Nội đã phỏng vấn hơn 3.000 người dân sử dụng xe máy và có hơn 90% người sẵn sàng đồng ý trả 50.000 đồng/lần để kiểm tra kiểm soát khí thải xe máy.

Vị này cũng khẳng định, với những xe máy nằm ngoài niên hạn của nhà sản xuất (khoảng 17-20 năm), các xe máy đã sử dụng hơn 20 năm thì mức độ an toàn không đảm bảo, nhiên liệu để sử dụng xe máy đó người dân cũng sẽ phải trả phí cao hơn và các xe này sẽ gây ô nhiễm cho môi trường.

Cũng theo vị này, có thể nghiên cứu những chính sách hỗ trợ người dân nghèo, có thể thành phố hoặc nhà sản xuất trợ giá để người dân chuyển đổi xe máy.

“Hiện trong dự thảo nghị quyết chúng tôi chưa đi sâu vào việc yêu cầu thay đổi, chuyển đổi phương tiện như thế nào. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cũng nên tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện chuyển đổi phương tiện, bởi các phương tiện quá niên hạn gây ô nhiễm môi trường sống, không đảm bảo an toàn và sẽ có những chính sách trợ giá”, đại diện Phòng Quản lý môi trường cho hay.

Vị này cho rằng, nếu nghị quyết được HĐND thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm và có hiệu lực từ 1/1/2025 thì vẫn còn cả quãng đường chứ chưa thể áp dụng được ngay.

Ví dụ, quận Hoàn Kiếm đề xuất được thí điểm thì quận phải có hồ sơ trình lên sở ngành thẩm định, sau đó mới được trình lên UBND thành phố để xem xét thông qua, vị này nêu dẫn chứng.

“Đây là xu thế để cải thiện chất lượng không khí. Quận, huyện sẽ quyết định việc áp dụng biện pháp trong vùng phát thải thấp phù hợp. Dù cấm hay hạn chế phương tiện thì người dân cũng yên tâm là sẽ phải phụ thuộc vào năng lực thực thi của chính quyền quận, huyện và người dân đối với việc này”, đại diện Phòng Quản lý môi trường cho hay.

Lộ trình cụ thể

Hà Nội dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ lựa chọn một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp; đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.

Trong thời gian này, thành phố cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2.

100% xe buýt thay thế, đầu tư mới ở Hà Nội sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.

Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu thông trong vùng phát thải thấp; thành phố sẽ phát triển hạ tầng sạc điện trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp

Từ 2031-2035, Hà Nội khuyến khích các địa phương xác lập vùng phát thải thấp theo tiêu chí, điều kiện.

Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Từ năm 2036 trở đi, Hà Nội bắt buộc các vùng ô nhiễm môi trường không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng phát thải thấp.

Trong giai đoạn này, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.