Một căn shophouse 144 m2 được mua giá 18 tỷ năm 2020, cho thuê 20 triệu đồng, bây giờ cho thuê không được, bán không xong, độc giả truongtlg kể.

“Hơn một năm nay, anh Sơn liên tục rao bán căn shophouse diện tích hơn 150 m2 tại khu đô thị Dương Nội, Hà Đông. Giá rao bán đã giảm 20% so với mức mua 23 tỷ đồng vào cuối năm 2021 nhưng ít người quan tâm. Căn shop của anh cao ba tầng, đã hoàn thiện”.

Độc giả Haivy Nguyen dẫn lại thông tin trên trong bài viết Vỡ mộng đầu tư shophouse chục tỷ đồng và đưa ra bình luận:

“Giá lúc mua 23 tỷ đồng, giá hiện tại anh Sơn dự tính bán thấp hơn 20%, vậy là tầm 17 tỷ hơn. Theo tôi hiện tại những ai có vài chục tỷ thì họ cũng đã mua đất nằm yên trong đất vài chục tỷ rồi họ mua thêm chi nữa. Trong khi người ít tiền tỷ hơn thì lấy đâu ra 17 tỷ hơn mà mua căn shophouse này?”.

Loạt shophouse có giá trị đầu tư vài chục tỷ đồng nhưng vắng bóng khách thuê trong nhiều năm, một số căn đang bị rao bán cắt lỗ 20%. Độc giả có nickname truongtlg kể:

“Năm 2020 bạn tôi mua căn shophouse 144 m2 tại Hà Đông giá 18 tỷ cho thuê được 20 triệu. Giai đoạn này khó khăn, khách trả nhà lại nên rao cho thuê mãi không có khách thuê, rao bán 14 tỷ, khách xem nhiều mà chưa trả giá.

Những sản phẩm shophouse và liền kề mấy năm rồi xây dựng quá nhiều dư thừa, giá lại cao, khó cho thuê nên giá giảm rất sâu”.

Chuyên gia cũng nhìn nhận giai đoạn 2020-2022 là thời kỳ shophouse trở thành kênh đầu tư gây sốt tại cả Hà Nội và TP HCM. Điều này dẫn đến thực tế 70-80% người mua là giới đầu cơ, mục đích chờ tăng giá và bán thứ cấp. Độc giả Minh Minh nói:

“Tôi đi dọc đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) thấy rất nhiều shop house mà hầu như không có ai ở cả, đường phố vắng tanh. Tôi thấy rõ sự thất bại dạng nhà thế này.

Ở Việt Nam, nhà mặt tiền chỉ hấp dẫn khi khu vực đó có dòng người tự nhiên, thậm chí nhà hẻm mà thông với đường lớn, dòng người cũng khá đông, lúc đó mới gọi là shophouse. Chứ nơi mà không có ai ở, không có dòng người lưu thông thì chỉ gọi là nhà liền kề giá trên trời”.

Mục tiêu của nhiều người đầu tư khi mua shophouse là bán chênh lúc thị trường cao trào, không tính toán đến bài toán dòng tiền. Độc giả nickname xuanmanh1102 phân tích:

“Nếu một shophouse cho thuê được 30 triệu đồng tháng, cần đạt tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà tối thiểu 4% để bù lạm phát hàng năm trong khi chờ cơ hội sốt tiếp theo… Cho thuê đạt 4% thì giá trị đầu tư căn đó chỉ 9 tỷ vậy nên một căn 20 tỷ giá hạ 30% vẫn không sát với khả năng sinh lời thực tế của sản phẩm, phải hạ giá 50% mới có thanh khoản. Như vậy cũng hợp lý thôi vì đất nền đã tăng gấp 2,3 lần trong 3 năm gần đây, giờ là lúc thị trường điều chỉnh về giá thị thực”.

Độc giả hongnhungpaticusi bình luận:

“Shophouse thực chất cũng chỉ là căn nhà phố liên kế mà thôi cao từ 3-4 tầng ở mặt tiền đường lớn khu đô thị có thể vừa ở vừa kinh doanh. Mấy năm trước khi thị trường mới có loại hình này mọi người tranh nhau mua vì sang tay nhanh chóng.

Chính vì thế giá được đẩy lên cao chót vót, ai hốt cú chót là mắc nghẹn rồi. Hiện nay loại hình này đang thoái trào vì rất khó kinh doanh ở ngoại ô. Các dãy nhà mặt tiền lớn ở trung tâm hiện nay kinh doanh rất khó khăn còn đóng cửa hàng loạt, cứ đi dạo một vòng quanh chợ Bến Thành là thấy rõ biển treo cho thuê hàng loạt”.

Một chuyên gia cho rằng nhà đầu tư rót vốn mua shophouse sẽ phải chờ thêm một thời gian để mật độ dân cư trong các dự án gia tăng mới có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, độc giả nguyenvanhunghn lại nghĩ khác:

“Cuối cùng shophouse mua là để ở, chứ cho thuê thì lợi nhuận dưới 0,5% /năm. Muốn thoát hàng chỉ có cách giảm trên 50% thì may ra có khách và dùng tiền đó đầu tư vào lĩnh vực khác để bù lỗ. Chứ giảm 20 đến 30% thì đợi đến 10 năm nữa”.