Dự tính có con, việc mà các đôi vợ chồng trẻ sẽ làm trước hết là đăng ký tham gia các hội, nhóm, diễn đàn bỉm sữa khắp cõi mạng.
Thời 4.0, áp lực sinh con, chăm và nuôi dạy con được nhiều bố mẹ trẻ giải tỏa bằng cách tìm thông tin trong các hội, nhóm trên mạng – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Khẳng định ngay là điều này không hề tiêu cực bởi nhiều hội, nhóm dạng này đang là một trong những kênh quan trọng để họ nghe ngóng, tham khảo thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích chuẩn bị cho việc đón thiên thần nhỏ chào đời cùng những bài học chăm con.
Mang thai lần đầu, nào có kinh nghiệm gì, rồi chăm sóc mẹ bầu, con nhỏ khiến không ít cặp đôi khá áp lực. Ngoài sách báo như một phương tiện cứu cánh, hỏi bác sĩ quen biết cũng chưa đủ, họ cậy nhờ đến mạng xã hội.
Lượng thành viên của các hội, nhóm bàn chuyện bỉm sữa trên các trang mạng luôn ở con số vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu người theo dõi.
Họ đang làm gì ở đó? Các bố mẹ tương lai lẫn bố mẹ bỉm sữa đăng đàn với 1.001 câu hỏi, từ chuyện mang thai, thăm khám thai kỳ đến sinh con, chăm con, chăm mẹ ra sao… Kiểu như tài khoản Vân Anh đăng: “Bé nhà em 2 tháng 10 ngày cứ nằm nghiêng bên phải, có dấu hiệu bẹp đầu rồi ạ. Em chèn lại mà vẫn quay lại như cũ, các mẹ có cách nào không ạ?”. Tài khoản Lan Anh nhắn lại: “Bé nhà em 2 tháng 5 ngày ho nhiều quá các mom, cách nào cho con đỡ ho ạ?”.
Không hiếm các mẹ bỉm vào hỏi chuyện kiêng cữ ăn uống, sinh hoạt. Ở “Hội các bà mẹ mang thai lần đầu”, chị Hồng Duyên hỏi: “Các mom ơi! Em sinh em bé được 1 tháng 11 ngày rồi, không biết đã ăn được phở, bún bò chưa ạ?”. Một mẹ trẻ khác – Thúy Hằng – băn khoăn: “Làm sao để thon gọn vòng bụng vậy các mom nhỉ?” vì Hằng nói đang cho con bú nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng trong khi để lấy lại vóc dáng thon gọn cần chế độ ăn uống khá hà khắc.
5 tháng trước khi có kế hoạch mang thai, Thu Sương (28 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) tham gia hàng loạt hội, nhóm “bỉm sữa” trên mạng. Lúc đầu, Sương ái ngại khi thấy các mẹ vô tư đăng hình “đũng bỉm đầy phân” lên mạng chỉ để hỏi con như thế là bình thường hay đang bệnh. Nhưng càng theo dõi cô càng thấy hữu ích.
“Mình học được nhiều lắm, từ cho con bú sữa, ăn cháo đến làm sao để con ngủ ngoan, nhận biết bệnh vặt trẻ hay mắc. “Trộm vía” bé nhà mình nay cũng ăn khỏe, ngoan và ham chơi lắm” – Sương khoe.
“Xin vía” và “nhả vía”
Chỉ với bức ảnh em bé mặc chiếc tã ngược cùng dòng trạng thái: “Nhờ chồng mặc bỉm cho con và cái kết”, lập tức có cả ngàn lượt yêu thích, thả biểu tượng mặt cười haha. Chưa kể còn bàn tán nhộn nhịp. Chị Lý Hoàng kể: “Chồng mặc bỉm cho con mà một hồi bỉm khô rang còn chăn mùng ướt sũng”. Vậy là các mẹ bỉm khác được phen vào hùa chắc sinh đứa thứ hai, thứ ba có kinh nghiệm rồi chắc sẽ khác.
“Không uổng công xin vía qua bao ngày tháng” trở thành câu cửa miệng của không ít bà mẹ trẻ tại các hội, nhóm. Ai đang lên kế hoạch mang thai, sinh con hoặc đang chăm con, việc “xin vía” từ các mẹ có thai kỳ khỏe mạnh, ít ốm nghén, con sinh ra khỏe mạnh, ăn giỏi ngủ giỏi rất được quan tâm. Và các mẹ trẻ cũng chủ động “nhả vía” tốt khi vừa sinh xong.
Mẹ bầu Thúy Diễm (25 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) kể tham gia hội, nhóm như thế học hỏi kinh nghiệm, thành tâm “xin vía”. “Có gì xấu đâu, lại vui vì mọi người ai cũng mong cầu điều tốt đẹp cho nhau vì sinh con quá nhiều nỗi lo, cứ con khỏe thì làm gì mẹ cũng sẵn lòng” – Diễm cười.
“Quảng cáo” con để bán hàng
Con ăn gì, uống gì để tăng cân luôn là quan tâm hàng đầu của những ông bố bà mẹ trẻ trong các hội, nhóm này. Tâm lý đó bị nhiều “con buôn” nhắm đến, không từ thủ đoạn để bán được hàng, kể cả “quảng cáo” con.
Thường sẽ là chia sẻ hình ảnh đứa bé bụ bẫm kèm các thông tin kiểu bé háu ăn, chơi ngoan, ngủ khỏe để kéo tương tác. Sau đó, cũng chính người này dùng tài khoản khác vào hỏi thăm cách nuôi.
Lập tức, các mẹ bỉm bán hàng online tung chiêu, nhắc ngay các dòng sản phẩm, phụ phẩm mình đang dùng, không quên đính kèm các công dụng “trộm vía” con khi nào cũng chơi vui, ăn ngon, ngủ khỏe. Không có gì xấu khi chia sẻ kinh nghiệm, dòng sản phẩm hữu dụng cho con trẻ khỏe mạnh. Vấn đề là “hình ảnh được chia sẻ nào có phải con mình, còn con ai thì… không biết”!
Cảnh giác kiếm thêm thu nhập
Nằm vùng ở các hội, nhóm này một thời gian, chúng tôi gặp không ít “mẹ bỉm” muốn kiếm thêm thu nhập trong lúc dưỡng thai, nhưng thu nhập đâu chưa thấy mà còn bị mất tiền. Chị Thu (tên nhân vật đã được đổi) được một tài khoản tiếp cận qua mạng Zalo trong quá trình mang thai, tự xưng là nhân viên một công ty sản xuất bút bi.
Theo mô tuýp “thả con tép bắt con tôm”, chị Thu được cho ứng trước sản phẩm về nhà, không cần đặt cọc. Sau lần đầu, các đối tượng này yêu cầu chị cung cấp chứng minh thư, thẻ ngân hàng với lý do để trả lương theo tuần.
“Bọn nó tinh vi lắm, mình vừa gửi đi là gọi lại bắt chuyện liên tục, đọc chi tiết bảng lương, thưởng rồi nhờ mình đọc mã OTP để xác thực hợp đồng làm việc, đọc xong là tiền ở tài khoản mất sạch” – chị Thu tấm tức.