Xã Thanh Sơn từng một thời nằm trong số các xã có đông hộ nghèo nhất huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh), nhưng xã Thanh Sơn ngày nay đã có rất nhiều thanh niên năng động, biết làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong đó có anh nông dân Đàm Văn Triệu, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn.
Thời điểm huyện Ba Chẽ khuyến khích các hộ dân trồng trà hoa vàng, nhờ có được sự động viên của bố, Đàm Văn Triệu đã quyết định chuyển đổi 3ha keo của gia đình trồng 2,5ha trà hoa vàng.
Đối với số diện tích rừng đồi còn lại, anh trồng cây ba kích, cây mây, cũng là những loài cây kinh tế rất phổ biến ở huyện Ba Chẽ. Nhưng cây trà hoa vàng chỉ ra hoa theo vụ, cần tăng thêm nguồn thu cùng trên diện tích rừng đồi, anh Triệu đã ra huyện Tiên Yên mua 1.000 con gà giống về nuôi dưới tán trà hoa vàng
Có thể khẳng định đây là mô hình rất hiệu quả, bởi giữa cây trà hoa vàng và gà “tương tác” lẫn nhau. Cây trà che bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ bắt sâu dưới gốc trà và thải phân, bón cho cây trà.
Lợi ích từ cách làm này chính là hàng năm Triệu đã bớt hẳn nhiều công đi thuê người về nhặt cỏ và chăm bón cho cây trà. Đàn gà của anh Triệu nhờ có bóng râm của cây trà mà hàng ngày được thả rông trên đồi, chứ không phải nhốt tránh nắng đến chiều mới thả ra như nhiều hộ chăn nuôi khác.
Hàng năm, anh Triệu nuôi 2 lứa gà, vào tháng hai, anh nhập khoảng 600 con gà giống nuôi để bán vào dịp tết dương lịch, tháng tư, anh nhập tiếp cũng khoảng 600 con để bán vào dịp tết âm lịch.
Gà Tiên Yên anh Triệu nuôi giá bán rất bình dân khoảng 150.000 đồng/kg và không đủ bán vào dịp tết. Nhiều người gọi điện hẹn anh từ vài tháng trước tết, đem lại nguồn thu không nhỏ cho anh Triệu vào cuối năm.
Mô hình của anh Triệu là mô hình tiêu biểu của thanh niên biết làm giàu trên mảnh đất nghèo. Nhiều thanh niên nhà có rừng đồi đã tìm đến anh Triệu để học hỏi kinh nghiệm đều được anh Triệu chỉ bảo tận tình.
Anh Triệu hướng dẫn họ, cách trồng cây trà hoa vàng vào thời điểm nào để đảm bảo cây không bị chết, cách xây chuồng gà, mua gà giống ở đâu, khi gà ốm cần chăm sóc thế nào..
“Gia đình tôi cũng có rừng đồi, nhưng trước đây chỉ trồng cây keo phải gần chục năm mới cho thu hoạch mà cũng không nhiều. Nay được anh Triệu chỉ bảo cách làm ăn mà kinh tế gia đình đã ổn định rất nhiều” – chị Nịnh Thị Tiến, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn (huyện Ba Che, tỉnh Quảng Ninh) cho hay.
Theo Dân Việt