Do diện tích đất hạn chế chỉ 38m2 nên anh Nguyễn Anh Tuấn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định xây nhà 6 tầng để có đủ phòng chức năng. Tuy nhiên mới ở được 2 năm, anh và cả gia đình mới hối hận với việc xây nhà quá cao như này.
Chia sẻ cụ thể của anh Tuấn như sau:
“Gia đình tôi quê ở Nam Định, có 5 anh chị em nhưng đều thoát ly lên Hà Nội hoặc vào Sài Gòn làm ăn kiếm sống. Thấy bố mẹ ở quê thui thủi nên các con đều lo. Tôi là con trai thứ, hợp tính bố mẹ, vợ tôi cũng thoải mái, xuề xòa. Bởi vậy, bố mẹ quyết định ra chung sống với vợ chồng tôi.
Tuy nhiên, khi đó, hai vợ chồng tôi ở trong một căn hộ chỉ tầm 60m2 trong khu nhà tái định cư nên khá lộn xộn, tiện nghi thiếu thốn. Lên thăm con vài lần, thấy cầu thang máy bỗng dưng khựng lại giữa chừng đôi lần, hành lang nhếch nhác, bố mẹ nói, sẽ hỗ trợ chúng tôi tiền đổi nhà. Bố mẹ muốn mua một ngôi nhà phố để có cảm giác độc lập, thoải mái hơn.
Năm 2013, tôi tìm được một mảnh đất tầm 38m2 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Nhà nằm trong ngõ chỉ cách mặt đường ôtô đi vào được khoảng 20m. Khu vực đó cũng có nhiều tiện ích như trường học, chợ, vườn hoa để đi bộ buổi sáng… Bởi vậy, dù giá đất khá cao, 80 triệu/m2 nhưng tôi vẫn quyết định mua. Riêng tiền mua đất đã hơn 3 tỷ đồng. Tôi gom từ tiền bán căn chung cư hiện tại, tiền bố mẹ cho, tiết kiệm suốt 8 năm lấy nhau của hai vợ chồng vừa đủ trả.
Ban đầu, tôi chỉ định xây nhà khoảng 3,5 tầng cho gia đình có ông bà, bố mẹ và hai con. Tuy nhiên, sau khi đi tham khảo một số nhà, nếu làm như vậy, một tầng phải có 2 phòng, lại thêm WC, cầu thang thì diện tích mỗi phòng đều rất bé.
Bởi vậy, tôi quyết định làm nhà 6 tầng với tầng một là chỗ để xe, kê một bộ sofa nhỏ ngồi tiếp khách và phòng ngủ, WC cho hai ông bà. Tầng 2 là phòng sinh hoạt chung, bếp. Tầng 3 là phòng ngủ, WC, phòng thay đồ của bố mẹ; hai tầng trên là phòng ngủ và chỗ chơi của con trai và con gái. Tầng thượng có phòng thờ, sân.
Xác định xây nhà để ở lâu dài nên tôi đầu tư các loại nguyên vật liệu chất lượng khá. Tôi bán luôn chiếc ôtô chủ yếu chỉ để về thăm quê, giờ không còn cần thiết nữa vì bố mẹ đã ra đây ở cùng. Có thêm 300 triệu nhưng hai vợ chồng vẫn phải vay mượn người quen và ngân hàng.
Với diện tích xây dựng hơn 200m2, tôi mất thêm 1,2 tỷ để hoàn thiện.
Đợi tới lúc nhà xong xuôi, đồ đạc đầy đủ, tôi mới về quê đón bố mẹ ra ở cùng. Ngắm nhìn ngôi nhà mới khang trang, bố mẹ tôi cười vui, nói chuyện rôm rả suốt cả buổi.
Tuy nhiên, khi ở được một vài tháng, gia đình tôi bắt đầu thấy đủ bất tiện với ngôi nhà xây quá nhiều tầng của mình. Do diện tích đất hạn chế và nghĩ nhu cầu đi lại giữa các tầng không nhiều nên tôi không làm cầu thang máy.
Phòng sinh hoạt chung, bếp ăn ở tầng 2 nên mỗi lần tới bữa cơm, hai vợ chồng tôi phải gọi rất to hai con ở trên tầng 4-5 xuống ăn. Mỗi khi từ trường về, các con lên luôn phòng mình để học bài, vẽ, chơi. Ông bà muốn lên chơi với cháu cũng mệt mỏi, đau chân vì leo cầu thang. Còn phòng ông bà kê 2 giường nằm riêng khá chật nên các cháu chỉ vào chào rồi lên tầng luôn.
Khổ nhất là vợ tôi vì mỗi ngày, cô phải leo lên xuống không biết bao nhiêu tầng. Chuẩn bị bữa cơm tối ở tầng 2 xong, cô lại chạy lên tầng 6 để giặt quần áo. Trước khi về nơi ở mới, cô ước ao có được một khu vườn rau nhỏ trên sân thượng. Tôi lắp đặt giàn cây đầy đủ cho vợ nhưng được 2 tháng, cô ấy đành bỏ hoang khu vườn. Cô ấy không đủ sức để ngày ngày lên sân tầng 6 tưới, chăm cây; chưa kể những lúc thiếu vật dụng, quên cây giống lại phải chạy xuống lấy.
Bản thân tôi là đàn ông khỏe mạnh cũng thấy oải dù lên xuống không nhiều bằng vợ. Mỗi ngày tôi lên lên tầng 4-5 tắm cho các con, dạy học rồi lại xuống hỏi han bố mẹ dưới tầng một và quay lên tầng 3 để ngủ.
Sau hơn 2 năm sinh sống, cả nhà tôi đều thấy mệt mỏi, mọi thành viên trong nhà ít trò chuyện. Tôi nhờ kiến trúc sư quen biết tới nghiên cứu có chỗ nào lắp đặt được cầu thang máy mini không. Tuy nhiên, nhà diện tích nhỏ, bố trí không chừa khoảng trống nào nữa cả nên việc sửa chữa sẽ rất lằng nhằng.
Chán nản nên tôi tính sang chuyện đổi nhà nhưng mọi chuyện cũng khó khăn không kém. Con đường trước nhà tôi trở nên đông đúc, nhiều lúc tắc nghẽn, nhiều nhà bán nên giá đất trung bình của khu chỉ còn tầm 65 triệu/m2.
Tổng cộng cả tiền đất và xây dựng, tôi chi hết 4,2 tỷ đồng. Nhưng khi khách tới mua, người trả cao nhất cũng chỉ đưa ra giá khoảng 3,2 tỷ. Họ đều chê nhà quá cao, lên xuống mệt mỏi, thiết kế không ưng ý họ. Nếu mua nhà, chủ mới sẽ chỉ giữ lại khung nhà, đập phá, sửa chữa bên trong khá nhiều.
Với 3,2 tỷ đồng, tôi cũng khó mua được ngôi nhà mới rộng rãi, có vị trí thuận tiện như bây giờ. Quanh khu nhà tôi hiện ở gần cơ quan hầu như không có chung cư giá vừa phải.
Thêm vào đó, nghĩ tới chuyện bị lỗ một tỷ đồng, tôi lại cảm thấy không đành lòng bởi số tiền đó là bao nhiêu năm tích cóp của bố mẹ, vợ chồng tôi”.
Thấu hiểu vấn đề này, KTS Ngọc Anh khuyên gia chủ không nên xây quá 4 tầng với các ngôi nhà không làm cầu thang máy. Ở chung cư, mọi hoạt động diễn ra trên một mặt bằng nên mọi người dễ dàng kết nối, việc đi lại thuận tiện. Trong khi đó, ở các ngôi nhà phố, mỗi người sẽ phải đi lên xuống các tầng nhiều lần để làm việc nhà, ăn uống, trò chuyện với nhau. Không chỉ mỏi mệt về thể chất mà các thành viên sẽ trở nên thiếu kết nối, sống khép kín trong không gian của riêng mình.
“Trong các gia đình đông thành viên và cần phòng riêng, gia chủ nên cân nhắc kỹ ngay từ khi lựa chọn mua đất hay chung cư. Với gia đình anh Tuấn, trải nghiệm ở chung cư tái định cư khiến anh có ác cảm. Nhưng thực tế, với khoản tiền hơn 4 tỷ, anh có thể mua được những căn chung cư rộng rãi, dịch vụ tốt. Nếu muốn mua nhà, anh nên cân nhắc chọn mảnh đất rộng hơn một chút để giảm số tầng”, KTS Ngọc Anh chia sẻ.