Mùa nhãn, mùa của yêu thương trên quê hương tôi lại về. Mùa của mật ngọt mời gọi những chú ong chăm chỉ. Mùa của lũ trẻ được í ới gọi nhau từ sớm để chọn cho mình một chỗ ngồi lý tưởng, và mùa của háo hức vì chúng sắp được lao động và cầm những đồng tiền do mình tạo.
Sáng mùa thu tiết trời trong xanh, một vài áng mây nhẹ trôi bồng bềnh trên nền trời thu dịu mát. Ánh nắng bớt phần gay gắt, nhẹ nhàng vương trên tóc ai, chảy đầy vai áo. Con đường đi làm của cô giáo vùng cao là tôi như gần hơn. Mùi của cỏ cây, hoa lá như vấn vít, hòa trộn vào nhau. Bất giác tôi như cảm được mùi thơm ngọt trên những chùm nhãn của bà con ven đường.
Cái mùi rất thân quen, mùi của ký ức những năm tháng tuổi thơ tuy khó khăn nhọc nhằn nhưng lại rèn cho con người ta sự nhẫn nại, lòng trân quý sức lao động của những đứa trẻ như chúng tôi ngày ấy. Mùi của long nhãn phả ra từ những lò xoáy long.
Mảnh đất Tây Bắc quê tôi từ xa xưa đã được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều loại cây trái đâm chồi, nảy lộc. Hứa hẹn với bà con nông dân những vụ mùa bội thu. Cây nhãn, cây xoài chính là những loại cây như các cụ ví là rất “hạp” đất lên năm nào cũng sai lúc lỉu cơ man nào là quả. Để rồi, cứ đến giữa tháng 7 là lũ trẻ con trong xóm chúng tôi lại kéo nhau đi bóc long.
Công việc tuy không vất vả nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, tính nhẫn nại. Ba chị em chúng tôi với “lý tưởng cao vời vợi” là muốn giúp bố mẹ chút tiền may quần áo, mua cặp cùng sách vở cho năm học mới sắp đến gần nên lòng đứa nào cũng háo hức. Để rồi, mới có tinh mơ cả ba đứa đã lục đục kéo nhau dậy ăn vội bát cơm nguội mẹ phần rồi nhanh nhảu chạy sang lò long để cân nhãn và ngồi bóc.
Chúng tôi đến sớm, bọn bạn cùng xóm có đứa còn sớm hơn. Chỉ một loáng là khoảng sân trước nhà bác Nguyệt (bác giờ đã mất) đã chật kín cơ man nào là bọn trẻ con đủ mọi lứa tuổi. Cái mùi thơm ngọt của nhãn sấy khô vừa lửa, cái mùi nồng nồng của than trong lò sấy rực hồng phả ra khắp không gian, chúng ngưng đọng trên tấm bạt được căng vội của chủ nhà để tránh mưa tránh nắng.
Rồi mùi đất ngai ngái do những trận mưa rừng chợt về trong đêm, tất cả tổng hòa tạo nên cái thứ mùi rất khó gọi thành tên. Chỉ biết mỗi khi đến mùa long nhãn là tất cả lũ trẻ chúng tôi đều biết năm học mới đang đến gần, Tết độc lập thiêng liêng của dân tộc cũng sắp tới. Tiếng trò chuyện, động viên nhau tập trung, cố gắng làm việc để nhanh bóc được nhiều long.
Mỗi cân long nhãn khi ấy được giá là một ngàn năm trăm đồng, lúc không được giá thì chỉ có một ngàn hai trăm. Những lũ trẻ chúng tôi khi ấy mỗi khi cân được nhiều long do mình chăm chỉ bóc là lòng đứa nào cũng chộn rộn. Chỉ cần tưởng tượng qua hơn một tháng ngồi bóc long chúng tôi sẽ có nhiều đồ mới đem khoe chúng bạn. Khoe với cô chủ nhiệm: “Năm nay, cái cặp sách mới này là em tự mua vì bóc được nhiều long nhãn” cô giáo cười, cả lớp cùng cười, thấy niềm vui lan tỏa khắp không gian.
Thằng cu út nó chỉ ngồi nghịch mấy quả nhãn sấy được một lúc là chán. Hết kêu đau lưng rồi lại mè nheo đòi hai chị đưa về. Tôi và chị cả phải thay nhau dỗ dành nó để nó chịu ở lại. Nếu nó mà bỏ về hai chúng tôi sẽ bị bố mắng vì tội “không biết trông em”. Rồi chị cả còn dở cả bài dụ, nịnh nó: “Út ngồi ngoan, chị bóc được nhiều long sẽ mua quà cho út. Mua cả chè thập cẩm quán bà Thêu cho”. Chỉ nghe chị nói vậy mắt nó đã sáng lên như hai cái đèn pha ô tô. Nó lại ngồi im thêm được một tí.
Mới đó mà đã đến giờ nấu cơm trưa. Biết tôi còn vụng, chị dặn tôi ở lại ngồi bóc, còn chị dắt út về nhà nhóm lửa nấu cơm. Ngày ấy đồ ăn thức uống cũng chẳng có nhiều với những gia đình còn đầy thiếu thốn như nhà tôi lên việc chị nấu cơm, luộc rau và rim chút lạc rang trưng cùng mắm hay trộn bột canh là cũng xong một bữa. Để rồi trưa về mấy chị em và vội chút cơm cho ấm bụng là lại xin bố mẹ không ngủ trưa chạy ù sang lò long bóc tiếp.
Những chú ong thợ chăm chỉ làm việc và còn thêm chút hiếu thắng khi thấy các bạn cùng xóm bóc nhanh hơn. Cân được nhiều long và được nhiều tiền hơn là y rằng tối về trước khi chìm vào giấc ngủ chị cả lại động viên: “Mai hai chị em mình sẽ cố bóc bằng chị em cái Linh, cái Hằng nhé! Mai thằng út đừng gây sự nữa để bọn chị bóc được nhiều long, có tiền mua chè, mua kẹo cho ăn”. Tiếng “dạ” trong vô thức của nó lại vang lên bởi hai cái mắt nó díu lắm rồi, sau tiếng dạ bé tí ấy là hai mí mắt của nó đã chập vào nhau.
Hết mùa long nhãn là y rằng mấy chị em tôi lại đem tiền ra đếm với niềm phấn khích đến lạ. Chúng tôi đứa nào cũng vui và dường như khi niềm vui nó nhảy múa trong lòng thì chẳng đứa nào ngủ sớm được cả. Ngoài việc, đưa tiền phụ mẹ mua đồ mới cho năm học là mẹ lại đưa lại cho ba chị em một ít “làm vốn” tự thưởng cho mình những cốc chè mát lạnh, ngọt lịm. Rồi thì mua cả kẹo dừa, kẹo dứa, kẹo gôm lẻ cho cu út. Tôi và chị cả còn để dành tiền đợi mùng 2/9 là đi mua chè đỗ đen, mua bánh rán, len vào hàng trò chơi hái hoa dân chủ mong được nhận phần thưởng lớn. Niềm vui của tuổi thơ chỉ vậy thôi mà bỗng thấy rưng rưng.
Nay khi đã là cô giáo, được thấy lại hình ảnh của mình thủa ấu thơ qua chính hình ảnh những cô bé cậu bé học sinh mình giảng dạy bất giác trong trôi hoài niệm khi xưa lại ùa về. Ngày xưa chúng tôi bóc long nhãn là thứ nhãn ta được sấy vừa lửa và người ta gọi đó là “long bệt”. Khi long bóc ra khỏi vỏ và hạt nó bết bết có màu cánh rán vàng ruộm thơm thơm.
Nay long nhãn của thời đại 4.0 có phần hiện đại và “sang chảnh” hơn rất nhiều. Bởi nay lũ trẻ không gọi cái từ “bóc long” của chúng tôi khi xưa ấy. Mà long nhãn bây giờ được xoáy từ những quả nhãn lai ghép giống mới. Cùi dày, ít nước, quả to. Bọn trẻ sẽ xoáy những quả nhãn tươi tách cùi ra khỏi hạt, xếp chúng vào phên gỗ có nhiều mắt nhỏ.
Sau khi nhãn đầy phên sẽ được đưa vào lò sấy. Và thành phẩm long nhãn khi ra lò sẽ có hình thức rất đẹp và bắt mắt. Nhìn bọn trẻ cặm cụi làm với một thái độ cầu thị, đầy nghiêm túc, tôi như thấy hình ảnh của mình khi xưa. Bất giác tôi ước giá như mình được quay lại tuổi thơ, để một lần nữa lại được cảm nhận cái dư vị ngọt ngào, lắng đọng về những hoài niệm của một thời chẳng thể nào quên.