Bỏ hơn 559 triệu đồng mua nhà, 15 năm sau, người phụ nữ Trung Quốc bàng hoàng nhận ra hợp đồng mua nhà không có hiệu lực”.

Năm 2003, vợ chồng chị Ngụy Tư Lệ ở Nội Mông, Trung Quốc, có ý định kinh doanh cho thuê nhà ở. Sau khi bàn bạc, 2 vợ chồng họ bắt đầu đi khắp nơi để tìm nhà cũ và mua lại. Cùng lúc đó, ở bên kia thành phố, một người phụ nữ nghèo tên Lưu Á Vân cũng đang đăng tin rao bán nhà để có tiền trả nợ. Khi biết tin bà Lưu bán nhà, chị Ngụy lập tức tìm đến hỏi thăm.

Theo 163, ngôi nhà của bà Lưu nằm ở ngoại ô thành phố Xích Phong, có diện tích 146 m2. Thấy gia cảnh của người phụ nữ này khó khăn, một mình nuôi 2 con rất vất vả nên chị Ngụy đã mua căn nhà trên với giá 160.000 NDT (hơn 559 triệu đồng), cao hơn giá thị trường lúc đó. Bà Lưu thấy vậy thì rất cảm kích. Hai bên sau đó đã ký hợp đồng mua nhà và bàn giao bàn theo đúng thỏa thuận.

15 năm sau đó, Ngụy Tư Lệ gần như đã quên mất người phụ nữ từng bán nhà cho mình. Thế nhưng vào một ngày nọ, mẹ con bà Lưu Á Vân bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà khiến chị vô cùng bối rối. Sau một lúc nói chuyện, người phụ nữ kia cũng nói rõ mục đích ghé thăm.

Hóa ra, khi biết được tin ngôi nhà cũ của mình nằm trong khu vực bị giải tỏa, có thể nhận được một số tiền đền bù lớn, bà Lưu đã đến tìm chị Ngụy để yêu cầu chia phần. Với số tiền đền bù 4,19 triệu NDT (hơn 14,6 tỷ đồng) mà chị Ngụy nhận được, bà Lưu chỉ yêu cầu chia cho bà 1,5 triệu NDT (hơn 5,2 tỷ đồng).

Ngụy Tư Lệ cho rằng yêu cầu của bà Lưu rất vô lý nên lập tức từ chối: “15 năm trước, bà đã bán nhà cho tôi. Kể từ đó, ngôi nhà đó là của tôi rồi, bà còn liên quan gì nữa đâu mà tới đây đòi chia phần?”

Mặc dù bị từ chối, gia đình bà Lưu vẫn liên tục tìm đến nhà chị Ngụy để yêu cầu chia tiền. Không thể chịu đựng được nữa, chị Ngụy liền dọa sẽ báo cảnh sát. Tuy nhiên, con trai của bà Lưu là Điền Quân lại không quan tâm, thậm chí còn dọa ngược lại người phụ nữ này:

“Nếu làm vậy, cô có thể sẽ mất trắng đấy. Tôi đã kiểm tra và phát hiện hợp đồng mua bán nhà trước đây của 2 bên gia đình không có hiệu lực. Do đó, ngôi nhà cổ này vẫn thuộc sở hữu của chúng tôi”.

Nghe những lời Điền Quân nói, Ngụy Tư Lệ cũng có dự cảm không lành. Chị nhanh chóng tìm luật sư để xin tư vấn nhưng lại nhận được tin tức chấn động. Hóa ra, theo luật Trung Quốc ở thời điểm đó, nhà ở nông thôn bị cấm bán cho người dân có hộ khẩu thành thị. Ngụy Tư Lệ lại là người có hộ khẩu thành thị nên hợp đồng mua nhà mà chị và bà Lưu ký kết quả thực không hợp lệ.

Nhận được tin này, Ngụy Tư Lệ như bị sét đánh bên tai. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh, người phụ nữ này lại nhận được giấy triệu tập của tòa án địa phương. Theo đó, người khởi kiện là gia đình bà Lưu Á Vân. Tòa án thành phố Xích Phong sau khi xem xét vụ việc đã xác nhận hợp đồng mua nhà giữa 2 bên không có hiệu lực. Tuy nhiên, tòa cũng bác bỏ yêu cầu chia tiền phá dỡ của gia đình họ Lưu vì thời điểm mua bán nhà, các cơ quan liên quan cũng chưa thông báo việc ngôi nhà sẽ phá dỡ trong tương lai.

Ngay sau đó, chị Ngụy đã chủ động khởi kiện nhà họ Lưu. Tại tòa, người phụ nữ này cho biết việc hai bên ký hợp đồng mua nhà là dựa trên nguyên tắc công bằng và tự nguyện. Hơn nữa, vợ chồng chị đã sống ở ngôi nhà này 15 năm nên quyền sở hữu căn nhà phải thuộc về họ. Mặt khác, năm đó khi chuyển đến ở, vợ chồng chị cũng đã nộp đơn xin cải tạo và mở rộng diện tích nên căn nhà hiện tại cũng không còn là căn nhà của năm đó.

Trước tuyên bố của chị Nguỵ, gia đình bà Lưu ra sức phản đối. Họ cho rằng hợp đồng mua nhà vô hiệu nên ngôi nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của họ. Điều đó cũng có nghĩa là họ có quyền nhận một phần tiền đền bù đất.

Nghe đối phương nói vậy, chị Ngụy tức giận nói: “Gia đình anh biết căn nhà không thể bán cho người thành thị nhưng vẫn chọn cách giấu giếm chuyện này và bán nhà cho tôi. Đây chẳng phải là lỗi của gia đình anh trước sao?”

Lời của Ngụy Tư Lệ khiến cả nhà họ Lưu đỏ mặt. Để giải quyết vụ án này, thẩm phán Tòa án địa phương đã tiến hành kiểm tra nhà của chị Nguỵ. Theo đó, khi bà Lưu bán nhà cho người phụ nữ này, diện tích căn nhà chỉ có 146m2, 284m2 còn lại do chính Ngụy Tư Lệ mở rộng. Vì vậy, số tiền phá dỡ 284m2 hoàn toàn thuộc về chị Nguỵ. Trong vụ việc này, ngay từ đầu chính gia đình bà Lưu đã vi phạm tinh thần của hợp đồng nên họ phải chịu 70% trách nghiệm. Ngụy Tư Lệ cũng phải chịu 30% trách nhiệm vì sự thiếu hiểu biết của mình về pháp luật.

Vào tháng 12 năm 2018, tòa án địa phương đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ tranh chấp. Tổng số tiền phá dỡ ngôi nhà là 4,19 triệu NDT. Theo xác định trách nhiệm pháp lý, Ngụy Tư Lệ có thể nhận được 3,82 triệu NDT (hơn 13 tỷ đồng) còn gia đình bà Lưu chỉ có thể nhận được 370.000 NDT (hơn 1,2 tỷ đồng). Hơn nữa, nếu họ muốn nhận được số tiền phá dỡ thì phải trả lại 160.000 NDT tiền nhà cho chị Nguỵ. Kết quả, gia đình bà Lưu chỉ có thể nhận được 210.000 NDT (hơn 733 triệu đồng).

Ngụy Tư Lệ đồng ý với kết quả này. Đối với số tiền phải chia cho gia đình bà Lưu Á Vân, chị sẽ xem đó là một bài học đắt giá cho bản thân.