Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
37 lượt xem

Nam sinh không có bố, đi phụ hồ lo sự sống cho mẹ, dang dở giấc mơ đại học

Anh Đức phải gánh chịu nhiều thiệt thòi khi thiếu tình thương của bố, mẹ lại bị ung thư. Mặc dù đậu đại học nhưng ước mơ của nam sinh này đang đứng trước nguy cơ dang dở bởi gia cảnh quá éo le.

Nam sinh làm phụ hồ mong cứu mẹ ung thư

Giữa trưa, Hoàng Anh Đức (19 tuổi, thôn 7, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) trở về nhà sau buổi đi phụ hồ. Em vội vàng vào bếp, nhóm lửa giúp mẹ nấu cơm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nam sinh xuất sắc đạt 28,5 điểm khối C (môn lịch sử 10 điểm, địa lý 10 điểm, ngữ văn 8,5 điểm), đậu vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – Quản trị du lịch cộng đồng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nam sinh không có bố, đi phụ hồ lo sự sống cho mẹ, dang dở giấc mơ đại học - 1
Để có tiền lo cho mẹ ung thư, “viết” tiếp ước mơ vào đại học, nhiều ngày qua Đức đi làm phụ hồ (Ảnh: Hạnh Linh).

Quảng cáo của DTads

Ngày nhận tin đỗ đại học, lòng Đức càng thêm rối bời. Mẹ em bị ung thư vú di căn. Đức rất muốn đi học để sau để tương lai sau này rộng mở hơn nhưng cũng muốn kiếm tiền chạy chữa cho mẹ khiến lòng em rối bời.

Đức là đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, em không biết bố mình là ai, chỉ mẹ em là bà Hoàng Thị Huân (61 tuổi) tần tảo sớm hôm nuôi Đức khôn lớn.

Năm Đức 11 tuổi, bà Huân phát hiện những cơn đau quằn quại trên phần ngực, đi khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư vú. Những tưởng quyết định cắt bỏ đi một bên vú trái sẽ giúp sức khỏe của bà khá lên. Tuy nhiên, trời lại không thương, đầu năm nay, khối u vú đã di căn.

“Tháng sau, tôi bước vào đợt xạ trị mới rồi. Tôi muốn buông xuôi vì không có tiền, chẳng muốn trở thành gánh nặng cho con”, bà Huân nói.

Bà Huân không có công việc ổn định, hai mẹ con sống dựa vào sào ruộng ở quê. Từ ngày phát hiện ung thư, sức khỏe bà giảm sút, mọi sinh hoạt đều nhìn vào tiền trợ cấp xã hội. Đức được đến trường có cái ăn, cái mặc cũng nhờ sự cưu mang của bà con xóm làng và thầy, cô.

Nam sinh không có bố, đi phụ hồ lo sự sống cho mẹ, dang dở giấc mơ đại học - 2
Đức và mẹ lo lắng khi không biết lấy tiền đâu để đi học, chạy chữa bệnh hiểm nghèo (Ảnh: Hạnh Linh).

Thấy mẹ khó khăn, vất vả, Đức luôn nỗ lực học tập. Nhiều năm, em là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường. Năm học vừa qua, em đạt giải Nhì môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

“Từ ngày biết điểm thi, đêm nào mẹ con cũng ôm nhau khóc. Cũng muốn con đi học, nhưng gia cảnh quá nghèo, tôi không thể lo được cho con”, bà Huân tâm sự.

Để có tiền chữa bệnh cho mẹ, viết tiếp ước mơ trở thành cử nhân ngành quản trị du lịch, sau ngày thi tốt nghiệp THPT, Đức xin đi làm phụ hồ.

“Mỗi ngày đi làm, con được trả công 100.000 đồng. Con bảo, để tiền đấy mua thuốc cho mẹ. Tôi vẫn chưa nói với con, tôi phải xạ trị mới có thể sống tiếp. Mỗi lần xạ trị ngốn cả chục triệu đồng”, bà Huân rầu rĩ.

Theo bà Huân, những tháng ngày ở viện “chiến đấu” với căn bệnh ung thư quái ác, bà đều cầm cự bằng những suất ăn từ thiện. Sau mỗi lần ra viện, bác sĩ kê đơn thuốc nhưng bà chỉ dám lấy thuốc của Bảo hiểm y tế, không có tiền lấy thuốc ngoài.

Dang dở giấc mơ nơi giảng đường đại học

“Tôi nói với con, tiền ăn học 4 năm không nhỏ. Mẹ giờ ngày một già đi, bệnh ngày một nặng, không làm được gì. Con mà đi học mẹ không thể nuôi nổi”, bà Huân quay mặt, giấu những giọt nước mắt đang chực trào.

Người mẹ tội nghiệp cho biết, Đức chưa một ngày biết bữa sáng ở quán ngon như thế nào và hiếm khi được ăn thịt, cá. Hôm nào, còn cơm thừa buổi tối, sáng hôm sau, em chan nước mắm ăn để đi học, đi làm. Đức chưa bao giờ than khổ, trách mẹ đẻ mình ra mà không có bố.

“Con đậu đại học nhiều gia đình vui mừng, chuẩn bị hết đồ này, thứ khác cho nhập trường, còn tôi thì lại khuyên con từ bỏ. Chỉ nghĩ đến mình chẳng thể lo được cho con mà lòng quặn thắt”, bà Huân òa khóc.

Nam sinh không có bố, đi phụ hồ lo sự sống cho mẹ, dang dở giấc mơ đại học - 3
Bà Huân cầu xin sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm (Ảnh: Hạnh Linh).

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình bà Huân, ông Nguyễn Chí Thoại, Bí thư Chi bộ thôn 7, cho biết hai mẹ con bà Huân đang rất khó khăn. Bản thân bà Huân mắc bệnh hiểm nghèo gần 7 năm nay. Từ ngày bà Huân bị bệnh, hàng xóm đã cưu mang, đùm bọc hai mẹ con.

Ý thức được hoàn cảnh của mình, cháu Đức ngoan, nỗ lực trong học tập. Vừa rồi cả thôn mừng cho cháu khi biết cháu đạt điểm cao trong kỳ thi THPT và đỗ đại học.

Ban lãnh đạo thôn rất trăn trở về cuộc sống vất vả của hai mẹ con nên đã 2 lần đứng ra kêu gọi bà con giúp đỡ gia đình bà Huân, nhưng ở vùng quê nghèo, sự giúp đỡ cũng chỉ được một phần.

“Chúng tôi rất muốn Đức được đi học nên hy vọng cháu được xã hội giúp đỡ. Cháu học để sau này có thể nuôi sống bản thân, hỗ trợ chữa bệnh cho mẹ, trở thành người có ích với xã hội”, ông Thoại bộc bạch.

Thầy Trần Quang Tuấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Lam Kinh (nơi Đức vừa tốt nghiệp THPT), cho biết hoàn cảnh của em Hoàng Anh Đức hết sức éo le.

Thầy Tuấn kể, năm học lớp 10, thấy mắt kính của em bị vỡ một bên mà mãi không thay. Thầy đến hỏi mới hay biết em không có tiền, mẹ em đơn thân, lại bị bệnh hiểm nghèo.

“Tôi vận động thầy cô giáo, bạn bè, anh em được hơn 1 triệu đồng, rồi đưa em đi cắt kính. Đến nay cái kính được tặng đã vỡ một góc nhưng em vẫn chưa thể kiếm đủ tiền để thay. Bao năm qua, em luôn được nhà trường giúp đỡ, bao bọc”, thầy Tuấn nói.

Theo thầy Tuấn, dù sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng em Đức đã nỗ lực vươn lên trong học tập. Kỳ thi vừa qua em đạt 2 điểm 10, đậu vào đại học và có ý định đi học tiếp, tuy nhiên, nhìn vào hoàn cảnh của mình, Đức không khỏi chạnh lòng.

“Ngoan ngoãn, chăm chỉ, học giỏi như Đức mà phải nghỉ học giữa chừng là điều vô cùng đáng tiếc. Tôi rất thương em! Qua báo Dân trí, nhà trường rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẽ giúp sức, đồng hành, tạo ra phép màu để Đức thay đổi số phận”, thầy Tuấn bày tỏ.

Bài viết cùng chủ đề: