Nhiều người khóc than trước tin bất động sản thứ hai bị đánh thuế nặng, bởi đó là thành quả lao động chăm chỉ của họ.
Việc áp thuế nặng cho những người sở hữu bất động sản từ thứ hai trở lên khiến những ai có nhiều hơn một bất động sản trở nên buồn rầu. Họ kể lể là không hiểu vì sao mình là bị chỉ trích khi cố gắng làm việc mới có tài sản. Nhưng thật ra thì những ngừơi này đâu có buồn vì bị chỉ trích, họ chỉ trở nên buồn khi phải đóng thuế mà thôi.
Thật ra thì chả có ai cảm thấy vui khi thấy mình phải đóng thêm thuế cả. Nhưng ngồi đó mà kể lể công khó là mình làm việc mới mua được đất mà sao lại bị đóng thuế thì hơi buồn cười. Những người có khả năng làm ra tiền mà lại chỉ trích các nhà quản lý vì làm việc của họ thì rất nực cười.
Ở Việt Nam, người dân không sở hữu đất mà sở hữu quyền sử dụng đất. Tức là mua đất xong thì phải sử dụng, chứ cứ để đó không làm gì thì rất khó xử cho cơ quan quản lý. Đất đai thì có hạn, nay nhà nước đã trao quyền sử dụng đất mà để hoang, chẳng làm cái gì thì với tư cách nhà quản lý, ai mà chả sốt ruột?
Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở, đất sản xuất, đất canh tác vẫn không ngừng tăng lên. Những ai mua bất động sản và cho thuê thì nên bị đánh thuế theo thu nhập từ tiền cho thuê. Còn những ai để mặc đất hoang vắng cô liêu thì chuyện người đó xài tiền thế nào là chuyện của họ, còn chuyện nhà quản lý muốn đưa đất vào sử dụng là chuyện của nhà quản lý. Đất đai mà không sử dụng, thì cái quyền sử dụng đất đấy mua để làm cái gì?
Có người còn nói rằng, giờ tôi cứ mua đất, sau đó lập hợp đồng cho thuê với giá cỡ 100 nghìn mỗi tháng rồi đóng thuế trên mức giá cho thuê đó, ai làm gì được tôi nào?
Và cũng chính vì vậy mà nhà nước mới phải nghĩ tới việc áp thuế cao cho các bất động sản từ thứ hai trở lên. Nói cách khác, tình trạng này là do sự khôn lỏi, lách luật, và lòng quyết tâm trốn tránh trách nhiệm thuế của một số người tự cho là mình chăm chỉ gây ra.
Về lâu dài, đưa đất vào sử dụng rất tốt cho nền kinh tế. Và khi đó giá trị của đất đai mới tăng lên một cách bền vững. Ở thời điểm hiện tại, người ta cho rằng không biết đầu tư vào đâu, chỉ có cách đầu tư vào đất, và vì thế cho nên bất động sản cứ tăng giá. Nhìn vào ai cũng cho rằng điều này là đúng đắn, ai cũng đổ xô đi mua đất, và giá bất động sản càng tăng cao.
Nhưng cái gì cũng vậy, giá trị của nó chỉ phụ thuộc vào giá trị sử dụng. Ở Trung Quốc chẳng hạn, quyết tâm đầu tư bất động sản của người dân đã đưa đến một cái giá rất đắt, đó là các khu chung cư, những trung tâm thương mại và những khu nhà hoang vắng.
Tất cả những thứ đó đều đã có người mua, thậm chí là đặt cọc mua từ rất lâu. Nhưng họ mua với ý định làm của chứ không có ý định sử dụng. Để rồi sau đó ai nấy đều vỡ lẽ ra rằng mình không phải là nhân vật duy nhất có cái ý tưởng hay ho là mua bất động sản để “làm của”. Vậy là nguyên khu dân cư trở thành “của cải”, không ai ở và càng hoang vắng cô liêu, khiến cho mớ “của cải” đó trở về con số không.
Những gì mà nhà nước đang làm là để tránh những chuyện như vậy. Nói đúng hơn, là nhà nước đang cố gắng đưa đất vào sử dụng chứ không để tài nguyên hoang phí.
Những người khóc than về chuyện mình cố gắng làm việc để rồi bị đánh thuế thì nên ngẫm lại mà xem. Nếu nhà nước không đánh thuế, ai cũng mua đất rồi bỏ không, thì sẽ có lúc giá trị của mấy miếng đất mồ hôi nước mắt sẽ trở về số không. Lúc đó thì đừng hỏi là vì sao người chăm chỉ như mình lại khó khăn.
Độc giả Khanh Huỳnh hiện là luật sư nhiều năm kinh nghiệm, đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.