Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
110 lượt xem

Nghệ An: Loại cây dược liệu dễ trồng mang lại thu nhập khủng cho nông dân

Rẻ quạt là loại cây dễ trồng và chăm sóc đã mang lại thu nhập “khủng” mỗi năm cho người dân tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An

Từ diện tích đất trồng màu kém hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây rẻ quạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2020, vườn rẻ quạt đầu tiên trên mảnh đất Nghĩa Đàn của hộ anh Lê Văn Khương, ở xóm Sình, xã Nghĩa Thành phát triển tốt, cho thu nhập cao nên nhiều người đến tham quan, học hỏi…

Một trong những gia đình sau khi đi tham quan đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 sào đất mía kém hiệu quả sang trồng cây rẻ quạt là anh Vũ Văn Lợi ở cùng xã. Anh Lợi cho biết, cây rẻ quạt khá dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, không sâu bệnh, năng suất cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác.

“Loại cây dược liệu này khi trồng chỉ cần bón phân chuồng, tưới nước giếng, nước khe suối vẫn sinh trưởng. Cây rẻ quạt có đầu ra dễ dàng, giá cao và hợp lý. Cây trồng trong vòng 18- 24 tháng sẽ cho thu hoạch phần củ để làm dược liệu. Mỗi ha có thể đạt năng suất 3 tấn củ, với giá bán 240.000-260.000 đồng/kg”, anh Lợi cho biết.

Cây rẻ quạt là loại thân thấp, tập trung phát triển phần rễ. Lá rẻ quạt hình mác dài 20-40cm và rộng khoảng 2-3cm. Phiến lá dài, gân lá song song nhau. Thông thường lá bao bọc thân từ dưới lên trên, càng lớn lá tách và tỏa ra ngoài, giống hình chiếc quạt, nên người ta gọi là cây rẻ quạt.

Cây rẻ quạt rất dễ sống trong tự nhiên. Với mục đích chữa bệnh, người ta thường lấy phần thân và củ của cây để điều chế thành các loại thảo dược.

Theo anh Lợi, đất trồng cây rẻ quạt phải là loại đất tơi xốp, màu mỡ, đặc biệt thoát nước tốt. Tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối, không nên tưới vào lúc giữa trưa.

“Quả, thân, lá, rễ cây rẻ quạt đều được dùng làm thuốc. Khi trồng, nếu phát hiện cây rẻ quạt có sâu bệnh thì phải trồng tách, nhiễm bệnh nặng quá mà phải phun thuốc sâu đặc trị thì cũng phải chọn loại thuốc hữu cơ, thân thiện với môi trường. Điều quan trọng nhất khi chăm rẻ quạt là nên dùng phân hữu cơ như phân chuồng, phân ủ hoai mục để cây phát triển nhanh nhất”, anh Lợi nói.

Đến nay, toàn xã Nghĩa Thành trồng được hơn 10ha cây dược liệu này, chủ yếu tập trung ở xóm Sình. Cây rẻ quạt có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, tiêu đờm. Cây rẻ quạt là một cây đặc trị các bệnh đường hô hấp trên như viêm đau họng, viêm thanh quản, viêm amidan, ho, khó thở, nhiều đờm…

Chị Nguyễn Thị Sở, Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Thành cho biết: “Năm 2020, gia đình anh Khương là hộ đầu tiên đi học tập mô hình trồng rẻ quạt ở huyện Diễn Châu. Sau một năm trồng thấy hiệu quả, đã có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích rau màu sang trồng giống cây này. Theo tính toán của người dân, mỗi ha sau khi trừ các chi phí cũng được hơn 400 triệu đồng.

Đến nay, vườn cây phát triển tốt, giá cả đầu ra ổn định. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con nhân rộng mô hình, đặc biệt là với diện tích đất đồi kém hiệu quả trên địa bàn xã”.

Theo Dân trí

Bài viết cùng chủ đề: