Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
123 lượt xem

Nghịch lý: Con xây nhà "khang trang" mời bố mẹ về ở nhưng bố mẹ chỉ thích ở "túp lều" bên cạnh

Mất 6 tháng mới hoàn thành được căn nhà 3 tầng khang trang trên mảnh đất mà bố mẹ cắt cho một phần, anh Hoàng rất hào hứng làm lễ tân gia mời hàng xóm, bạn bè tới ăn mừng.

Sau lễ tân gia, bố mẹ anh Hoàng cứ nằng nặc đòi chuyển sang căn nhà cũ, giờ không không khác gì túp lều, đang làm nhà kho chứa đồ cũ bên cạnh. Hỏi tại sao, bố mẹ chỉ nói: “Cha mẹ già rồi, thích ở độc lập, muốn ăn gì thì ăn, không phụ thuộc vào con cái”.

Ban đầu, anh Hoàng cứ nghĩ do vợ mình nói gì khiến hai cụ phật ý. Nói ý này với vợ, hai vợ chồng tranh cãi, giận nhau mất mấy hôm. Bởi kỳ thực, vợ anh cũng đi làm tối ngày, không có thời gian trao đổi, giao tiếp với các cụ.

Căn nhà anh Hoàng có 3 tầng, tầng trên cùng làm phòng thờ là chính, tầng 2 là nơi ở của vợ chồng và con cái, tầng 1 là phòng khách, bếp, phòng ở của hai cụ.

Anh Hoàng không thể hiểu nổi vì sao các cụ có phòng riêng, điều kiện sinh hoạt rất tiện nghi, vậy mà cứ đòi ra ở căn nhà cũ. “Mình ở nhà to thế này, để bố mẹ ở trong túp lều cũ nát, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp họ cười vào mặt”, anh Hoàng chia sẻ.

Thuyết phục kiểu gì các cụ cũng không chịu. Cuối cùng anh Hoàng vẫn phải nhượng bộ vì bố anh nhất định không chịu ngủ ở nhà mới, mà ra kê hẳn giường ngủ ở nhà cũ. Còn người mẹ thì cứ năn nỉ anh để ông bà quay lại nhà cũ…

Chuyên gia tâm lý người cao tuổi Thanh Tâm cho biết, đây là tình huống rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Đa phần nguyên nhân là do xung đột thế hệ, cách nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt của người cao tuổi và người trẻ khác nhau. Nếu ở chung như vậy rất dễ mâu thuẫn. Con cái thì thấy tiện nghi, chứ các cụ thì thấy bất tiện.

Nói về trường hợp cụ thể của anh Hoàng, vị chuyên gia phân tích: Khi làm nhà, anh Hoàng đã quên mất một điều, đấy là không gian cũ, gợi nhớ sự thân thuộc, sự riêng tư của các cụ. Rồi chuyện bếp chung, phòng khách chung, người trẻ sinh hoạt khác người già, việc này tạo nên sự sự uẩn ức, khó chịu trong lòng các cụ. Vì thương con, có thể các cụ không nói, nhưng trong lòng không muốn như vậy.

Kiến trúc sư Trần Anh Đức cho biết, giải quyết chuyện này không khó, nhưng cần kinh nghiệm của người thiết kế, và gia chủ phải đồng ý.

Theo kiến trúc sư, khi làm nhà, muốn bố mẹ ở cùng thì nên bố trí không gian riêng biệt cho các cụ. Điều này cần nghiên cứu kỹ thói quen, điều kiện sống của từng nhà, chứ không đơn giản. Nhưng có một số nguyên tắc chung, đó là nơi các cụ ở thường có ánh sáng yếu hơn, đồ gỗ phải có màu và đường nét cũ kỹ, phòng ngủ phải có tính riêng tư, yên tĩnh để các cụ không cảm thấy bị để ý khi lùi vào trong phòng.

Chuyên gia tâm lý Thanh Tâm cũng khuyên, trường hợp như anh Hoàng, tốt nhất nên dọn dẹp, sửa sang nhà cũ cho các cụ ở. Đừng vì sĩ diện hão của mình mà bắt ép các cụ ở trong không gian mà mình không thấy thoải mái. “Bắt bố mẹ ở trong nhà mới mà các cụ không thích, cũng tương tự như bắt mình phải sống trong túp lều cũ thôi”, chuyên gia Thanh Tâm nói.

“Nếu vì bố mẹ, là để bố mẹ tự do lựa chọn, cảm thấy an yên trong không gian sống của mình. Còn bắt ép các cụ theo ý mình, đó là sự ích kỷ, sĩ diện và vì bản thân mình chứ không phải vì các cụ”, vị chuyên gia thẳng thắn.

Bài viết cùng chủ đề: