Ông ngoại tôi có một ngôi nhà cổ được dựng bằng gỗ lim nhiều năm tuổi. Tuổi thơ tôi là những tháng ngày gắn bó cùng ngoại bên ngôi nhà gỗ. Với tôi, những giá trị về tinh thần trong suốt những tháng ngày ấu thơ có ý nghĩa hơn nhiều so với ngôi nhà gỗ quý của ông.
Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo. Trong những năm tháng đời sống khó khăn, mẹ thường gửi tôi ở nhà ngoại để đi bán hàng trước mỗi buổi chợ phiên. Đó cũng là khoảng thời gian tôi được gắn bó cùng ngoại trong căn nhà gỗ cũ. Ngoại tôi vốn đông con cháu. Mẹ thường kể, những năm tháng khó khăn nhất là thời kỳ chống Mỹ. Khi đó, ông ngoại tôi đang tham gia chiến đấu ở mặt trận chống Mỹ. Bà ngoại ở nhà vừa xoay xở với lo toan cuộc sống, vừa phải nuôi đàn con thơ dại. Hầu hết các bác tôi đều phải nghỉ học từ sớm để tất bật mưu sinh.
Sau nhiều năm tích góp, bà tôi mới dành dụm đủ số tiền để mua được một bè gỗ lim từ những người thợ gỗ phương xa mang về. Ngày ấy, thứ gỗ lim quý chưa có giá thành quá cao như hiện tại. Thế nhưng việc sắm được bè gỗ cũng là quá trình tích góp, tiết kiệm của cả đời người.
Sau này, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông tôi may mắn có thể trở về đoàn tụ cùng gia đình. Dù vậy, rất nhiều đồng đội của ông đã phải nằm lại nơi chiến trường khói lửa. Hòa bình lập lại, ông bà đã cùng nhau dựng lại căn nhà bằng số gỗ quý được bà mua trước đó. Khi ấy, nhà ngoại tôi mới có một căn nhà đúng nghĩa. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, bà tôi qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ông tôi vô cùng đau buồn bởi công sức tích góp của bà trong nhiều năm tháng nhưng bà lại không được ở nhà mới cùng con cháu. Vì thế, với ông, ngôi nhà có ý nghĩa đặc biệt như một phần kỷ vật thiêng liêng về bà.
Ở tiềm thức những ngày thơ ấu trong tôi, ngôi nhà gỗ của ngoại là một ngôi nhà ngói đỏ ba gian với những cột gỗ to lớn. Nhà được xây dựng theo đúng cấu trúc cổ với mái hiên thấp, bậc thềm cửa cao cùng những viên đá lớn được mài nhẵn làm trụ đỡ cho chân cột. Những cây cột làm trụ đỡ to đến mức có thể che kín và làm nơi “ẩn nấp” cho tôi mỗi lần mẹ tới đón tôi về. Mỗi lần như thế, ngoại luôn là người trọng tài đứng về phía tôi để đứa cháu được ở lại chơi với ngoại.
Trong những đêm được ngủ lại cùng ngoại, tôi được nghe ngoại kể biết bao câu chuyện về chiến trường, về những kỷ niệm cùng bà và vô vàn những câu hỏi của đứa cháu ngây thơ được ông giải đáp. Những đêm ngủ cùng ngoại, tôi cũng ngủ rất ngon vì nhà ông luôn mát vào ngày hè và ấm áp khi mùa đông đến.
Những ngày tháng khó khăn rồi cũng qua đi, giờ đây các bác của tôi đều có cuộc sống ổn định. Nhờ thế nhà cửa cũng khang trang, rộng lớn hơn. Nhiều lần, các bác ngỏ ý muốn đón ngoại tôi về ở cùng nhưng ông kiên quyết từ chối. Bởi lẽ, ông không muốn rời xa ngôi nhà với nhiều kỷ niệm của mình. Có chăng, ông chỉ chịu để con cháu đón đến chơi vài bận, sau đó, ông lại đòi về ngôi nhà cũ của mình.
Do là một ngôi nhà gỗ được dựng bằng gỗ quý nên cũng không ít lần những vị khách lạ tìm đến ngỏ ý mua lại căn nhà. Tất nhiên là ông tôi từ chối. Thậm chí, có những lời đề nghị hấp dẫn của những người mua như họ sẵn sàng trả một số tiền lớn và xây lại cho ông một ngôi nhà mới khang trang. Mong muốn của họ là được mang căn nhà gỗ đi. Tuy nhiên, có lẽ sự gắn bó cùng những kỷ niệm với bà là lý do khiến ông luôn từ chối những lời đề nghị ấy.
Trải qua những đổi thay của năm tháng, ngôi nhà của ngoại vẫn là nơi để con cháu chúng tôi sum họp, tìm về. Giờ đây, khi đã trưởng thành và ở xa nhà, tôi ít có dịp lên thăm ngoại như xưa. Thế nhưng, với tôi mỗi lần trở về và thấy bóng lưng còng của ngoại thấp thoáng trong ngôi nhà cũ là cả tuổi thơ bình yên của tôi bên ngoại lại chợt hiện về như chỉ mới hôm qua.