Đưa tay lau những giọt nước mắt tủi cực đang chảy xuống đôi gò má nhăn nheo, bà Thịnh bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cơ cực của mình.
Không chồng con, không nhà cửa, người đàn bà cô đơn chỉ có một quả thận đang phải chống chọi với bệnh tiểu đường biến chứng. Giờ bà chỉ ước: “Trước khi chết tôi mong có một nơi được gọi là nhà”.
Nằm bẹp trên chiếc giường cũ kỹ trong căn phòng trọ nhỏ xíu được người cháu họ cho mượn, bà Bùi Kim Thịnh, 63 tuổi (trú ở Tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) với khuôn mặt xám ngoét của người mang bệnh lâu ngày, thều thào nói:
“Mấy hôm nay tôi thấy trong người đau nhức và rất mệt mỏi, không ăn uống, cũng không làm lụng được gì cả. Muốn đến bệnh viện, nhưng ngặt nỗi trong người chẳng có đồng nào, cũng chẳng biết phải vay ai nữa nên cứ đành phải nằm nhà vậy”.
Đưa tay lau những giọt nước mắt tủi cực đang chảy xuống đôi gò má nhăn nheo, bà Thịnh bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cơ cực của mình.
Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, người phụ nữ này chịu thiệt thòi ngay từ khi ra đời. Do sinh thiếu tháng, nên tuổi thơ của bà Thịnh là những chuỗi ngày đau ốm quặt quẹo…, đến năm ngoài 20 tuổi bà cũng chỉ thấp bé như đứa trẻ 12-13 tuổi.
Thời gian thấm thoát trôi, các anh chị em lần lượt có gia đình riêng, nhà chỉ còn một mình cô Thịnh đã ở vào cái tuổi “quá lứa, lỡ thì”. Tự ti với vẻ bề ngoài và sức lực yếu ớt của mình, nên bà Thịnh sống khép kín, không giao du với ai, một lòng phụng dưỡng đấng sinh thành.
Nhưng số phận thật trớ trêu, bà Thịnh chưa có cơ hội báo hiếu thì bỗng chốc lại trở thành gánh nặng cho bố mẹ già. Năm 2005, bà Thịnh tự dưng sốt cao nhiều ngày không dứt, cơ thể phát phù nề, đi bệnh viện bác sĩ cho biết bà bị suy thận cấp. Để giữ được tính mạng, bà phải trải qua ca phẫu thuật, phải cắt bỏ quả thận hỏng.
Thể chất vốn đã không tốt, từ khi mất đi 1 quả thận, sức khỏe bà Thịnh xuống dốc không phanh. Đủ các thứ bệnh từ đâu tìm đến người phụ nữ tội nghiệp này, từ tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, thấp khớp…, khiến bà Thịnh đi viện như cơm bữa. Đến năm 2011, có lẽ cũng vì quá lo lắng cho đứa con gái út mang số phận hẩm hiu, mà cả bố và mẹ bà Thịnh lần lượt theo nhau qua đời.
Sau nhiều năm chống chọi với đủ loại bệnh tật đeo bám, người phụ nữ cô đơn đã kiệt quệ. Năm 2013, để có tiền tiếp tục chữa bệnh, bà Thịnh đã phải bán đi căn nhà là nơi thờ tự tổ tiên mà bố mẹ để lại.
Không chốn dung thân, người cháu họ thương tình cho bà ở nhờ một phòng trong dãy nhà trọ cho sinh viên thuê. Đau yếu, không thể làm được bất cứ công việc gì, tiền bán nhà cũng đã cạn kiệt từ lâu, không có trợ cấp xã hội, cuộc sống của người phụ nữ này vô cùng chật vật.
Những mong kiếm được bữa cơm qua ngày, bà xin đi rửa bát thuê cho một quán cơm bình dân gần nhà. Để có tiền đến bệnh viện, người phụ nữ cô đơn này chỉ còn biết trông chờ vào những đứa cháu, và lòng tốt của những người hàng xóm.
Thời gian gần đây, các căn bệnh bà Thịnh mang trong người không có dấu hiệu thuyên giảm, không những vậy quả thận còn lại chuyển biến xấu, đe dọa tới tính mạng bà. Nhiều lúc nghĩ quẩn, bà Thịnh từng muốn buông xuôi cho hết mọi đau đớn, phiền muộn trên đời…
“Tôi một thân một mình, tìm về với tổ tiên thì yên thân tôi. Nhưng còn 2 việc mà tôi áy náy vô cùng: Một là để lại cho các cháu khoản nợ hơn 30 triệu đồng đã vay chữa bệnh trước đó, tôi không đành. Hai là, tôi chết không biết làm ma ở đâu, giá mà có một nơi được gọi là nhà của mình, thì tôi nhắm mắt cũng an lòng…”, bà Thịnh ứa nước mắt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Tổ trưởng tổ dân phố Ngân, phường Lương Sơn, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Hoàn cảnh của bà Thịnh rất éo le, là hộ nghèo nhiều năm nay ở địa phương và không biết bao giờ mới có thể thoát được nghèo. Bản thân bà không chồng, không con, không nhà cửa ruộng vườn, lại ốm đau bệnh tật triền miên. Qua báo Dân trí, bà con chúng tôi rất mong bà Thịnh được các nhà hảo tâm giúp đỡ”.