Mảnh đất 400m2 tại xã Cự Khê có giá trên thị trường dao động từ 10 – 12 tỉ đồng. Nhiều người dân tại thôn Hạ (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) đang hoang mang sau khi biết mức đền bù hỗ trợ đối với diện tích đất dự án Vành đai 4 đi qua chỉ khoảng 600 triệu đồng.
Bất ngờ khi đất ở “hóa” đất vườn
Phản ánh đến Báo Lao Động, bà Lê Thị Ngân (sinh năm 1968, thôn Hạ, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, mảnh đất 316m2 mà gia đình bà đang sinh sống nằm trong diện thu hồi để thực hiện dự án Đường vành đai 4.
Trong thông báo dự thảo phương án bồi thường, gia đình bà được bồi thường theo giá đất vườn – hơn 1 triệu đồng/m2, không có suất tái định cư. Sau khi nhân hệ số, tổng số tiền đền bù của gia đình bà là 870 triệu đồng.
Bà Ngân cho hay, mảnh đất bà đang sinh sống là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay.
Năm 2017, gia đình bà được UBND huyện Thanh Oai cấp sổ đất vườn (mục đích sử dụng trên giấy tờ pháp lý là đất trồng cây lâu năm). “Khi đó, do thiếu hiểu biết, nên tôi nhận sổ và không có ý kiến gì” – bà Ngân nói.
Bà Ngân cho biết, mảnh đất này hiện có 3 gia đình sinh sống với 6 nhân khẩu (gồm gia đình bà, gia đình con trai cả, gia đình con trai thứ). Vậy nên với mức đền bù 870 triệu đồng, 3 hộ gia đình không biết phải xoay sở ra sao.
“Gia đình tôi chỉ có một miếng đất này. Trên mảnh đất này có 3 hộ sinh sống. Với hơn 800 triệu đồng, gia đình tôi không biết sẽ đi đâu về đâu” – bà Ngân chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên, giá đất ở tại xã Cự Khê hiện dao động trong khoảng từ 25-30 triệu đồng/m2. Như vậy, một mảnh đất ở hơn 300m2 sẽ có giá từ 7 – 9 tỉ đồng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Lê Công Giang (sinh năm 1973, thôn Hạ, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) cảm thấy hoang mang sau khi được thông báo mức đền bù hơn 600 triệu đồng cho mảnh đất 400m2 của gia đình ông (mức đền bù theo giá đất vườn).
“Vì không hiểu biết về luật nên khi nhận được quyết định dự thảo bồi thường theo mục đích cấp trong sổ, chúng tôi mới thực sự tìm hiểu và biết được chúng tôi bị cấp sai mục đích sử dụng đất trong sổ” – ông Giang nói.
Theo ông Giang, miếng đất này do ông nội của ông để lại. Suốt nhiều năm qua, ông Giang luôn đóng thuế đất theo mức thuế đất ở nông thôn.
“Ba nhân khẩu nhà tôi hoàn toàn trông chờ vào miếng đất này, vậy mà chỉ được đền bù 600 triệu đồng, gia đình chúng tôi cũng không biết sẽ đi đâu” – ông Giang chia sẻ.
Trong khi đó, với giá đất ở hiện nay, mảnh đất ở 400m2 tại xã Cự Khê có giá dao động từ 10-12 tỉ đồng. Ông Giang mong muốn các cấp có thẩm quyền điều tra lại nguồn gốc đất để trả lại đúng lợi ích cho gia đình ông.
Mới đây, 13 hộ dân tại thôn Hạ cũng đã gửi đơn đề nghị đến UBND TP Hà Nội về việc điều tra lại nguồn gốc đất của các gia đình có đất ở mà Vành đai 4 đi qua.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Anh Phương – Chủ tịch UBND xã Cự Khê – cho biết, xã đang tổ chức đối thoại với người dân.
“Chúng tôi đang thực hiện để làm sao quyền lợi của người dân được đảm bảo, đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ giải quyết theo đúng trình tự. Những gì đúng thẩm quyền của xã, đúng thẩm quyền của cấp trên, chúng tôi sẽ giải quyết để đảm bảo đúng quyền lợi của người dân” – ông Phương nói.
Ông Phương cho hay, theo cơ chế chính sách, đất cha ông để lại, đất ao vườn được gọi là đất nông nghiệp. Mức giá đền bù của loại đất này là hơn 1 triệu đồng/m2.
“Chúng tôi đang phải đối thoại, đang tìm hướng đề xuất với các cấp để làm sao tháo gỡ. Việc này không phải thẩm quyền của xã, không phải thẩm quyền của huyện, mà là thẩm quyền của thành phố” – ông Phương lý giải.