Hầm chui ở tuyến song hành xa lộ Hà Nội đoạn qua nút giao Trạm 2 gần 8 năm chưa thể hoàn thành vì vướng mặt bằng, phương tiện giao thông phải đi vòng một đoạn khá xa.
Nút giao Trạm 2 là nút giao giữa Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A, ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nút giao này được thiết kế đa tầng, gồm cầu vượt hoa thị với 4 vòng tròn đường kính 420m và các nhánh đường có tổng diện tích 27 ha.
Để giảm tải tình trạng ùn tắc khi lưu lượng giao thông quá lớn, năm 2016, hai hầm chui tại nút giao Trạm 2 được khởi công xây dựng – thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Theo kế hoạch ban đầu, hai hầm chui sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2018, nhưng chậm tiến độ. Đến tháng 6/2023, hầm chui song hành trái (hướng từ Đồng Nai về TP.HCM) dài hơn 1km mới được đưa vào sử dụng. Còn hầm chui song hành phải (hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai) dài gần 1km đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ghi nhận của PV Dân Việt, tại khu vực hầm chui song hành phải, các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên lâu ngày không được sử dụng nên nhiều đoạn cây, cỏ mọc um tùm, ngổn ngang vật liệu nằm trước miệng hầm.
Các phương tiện lưu thông hướng TP.HCM đi Đồng Nai thay vì đi thẳng hầm chui, thì hiện nay đang phải vòng một đoạn khá xa.
Anh Nguyễn Thành (trú quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Không hiểu vì sao mà không thông hầm cho người dân đi. Xe cộ đi qua đây phải đi đường vòng hơn cả cây số, rất bất tiện”.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (thuộc Công ty CII), hiện đoạn chưa thi công còn vướng mặt bằng gần 30 hộ dân tại phường Tân Phú, TP.Thủ Đức. Nếu mặt bằng được bàn giao, nhà thầu có thể hoàn thành đoạn còn lại trong vòng 4 tháng.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và đoạn quốc lộ 1 từ nút giao Trạm 2 cũ đến Tân Vạn dài 15,7 km, 12-16 làn xe, được chia làm ba đoạn. Trong đó, đoạn một từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Năm 2009, dự án được UBND TP.HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.516 tỷ đồng và năm 2016 điều chỉnh nâng lên hơn 4.900 tỷ đồng. Hiện, công trình hoàn thành toàn bộ trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia, dài hơn 13 km.