Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
56 lượt xem

Người Hà Nội tháo dỡ nhà, giao mặt bằng làm dự án 7.000 tỉ đồng

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được khởi công năm 2015.

Đây là dự án trọng điểm của TP Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư.

Đến tháng 1.2020, dự án mới hoàn thành hạng mục Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Trong dự án này, hạng mục cứng hóa toàn bộ kênh La Khê chưa thể hoàn thiện do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Theo UBND quận Hà Đông, đến nay vẫn còn 185 hộ, diện tích 0,61ha thuộc địa bàn các phường Quang Trung, Hà Cầu, Yết Kiêu, Dương Nội, La Khê vẫn chưa chấp hành, phải thiết lập hồ sơ, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

a
Hạng mục cứng hóa toàn bộ kênh La Khê (Hà Đông, Hà Nội) chưa thể hoàn thiện do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh
a
Dãy nhà bên phải thuộc diện giải phóng mặt bằng để thi công hạng mục cứng hóa toàn bộ kênh La Khê. Ảnh: Hữu Chánh

Riêng đối với địa bàn phường Quang Trung, đến nay còn 135 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Từ ngày 18-20.9, chính quyền tổ chức cưỡng chế đợt 3 đối với 33 hộ thuộc tổ dân phố số 6, 7, 14, 15 để phục vụ Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.

Quá trình tuyên truyền, vận động, có 27/33 hộ tại tổ dân phố số 6, 7, 14, 15 (phường Quang Trung) tự giác bàn giao mặt bằng, 4 hộ phải cưỡng chế, 1 hộ tạm hoãn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Hà Đông.

a
Nhiều hộ dân tự giác tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng cho dự án. Ảnh: Hữu Chánh
a
Nhiều đồ đạc được vận chuyển ra ngoài để di chuyển đến nơi khác. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận của Lao Động ngày 19.9, nhiều hộ dân sinh sống tại ngõ 17 Trần Nhật Duật (phường Quang Trung) đã tự giác tháo dỡ công trình nhà ở, di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho quận Hà Đông để triển khai dự án.

Trao đổi với phóng viên, một số hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng ở phường Quang Trung đều nhận thức được tầm quan trọng của kênh La Khê và đồng thuận việc di dời đến nơi ở mới.

Tuy nhiên họ mong muốn cơ quan chức năng có chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thỏa đáng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

a
Một số trường hợp không đồng thuận bàn giao mặt bằng bị lực lượng chức năng cưỡng chế. Ảnh: Hữu Chánh

Đối với kiến nghị của các hộ dân, UBND quận Hà Đông cho biết đã tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét.

Các hộ không đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng đã sử dụng trước ngày 1.7.2004, phải di chuyển chỗ ở, đủ điều kiện được mua nhà chung cư, đã được UBND TP Hà Nội bố trí quỹ nhà tại quận Cầu Giấy để tái định cư.

Đối với các hộ không đủ điều kiện được mua căn hộ chung cư, UBND Thành phố đã cho phép quận Hà Đông hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ trong thời gian 6 tháng (mỗi nhân khẩu 1 triệu đồng/tháng, mỗi hộ không quá 4 nhân khẩu).

UBND phường Quang Trung đã tìm và giới thiệu địa điểm thuê nhà để đảm bảo chỗ ở cho từng hộ khi Nhà nước thu hồi đất.

a
Một công trình trên phố Ngô Quyền đang được người dân tháo dỡ. Ảnh: Hữu Chánh
aa
Kênh La Khê đoạn qua phường Yết Kiêu (Hà Đông). Ảnh: Hữu Chánh

Quận Hà Đông đặt mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để cuối năm 2025 làm xong kênh La Khê.

Kênh La Khê có vai trò rất quan trọng với việc thoát nước cho khu vực phía Tây của Hà Nội, giúp khu vực các quận, huyện như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đan Phượng… giảm thiểu tình trạng úng ngập.