Giữa lằn ranh sinh tử, anh Hoàng Văn Tiện có thể chạy thoát thân nhưng chẳng kịp màng tới an nguy của bản thân, anh lao vào biển đất sạt lở chỉ với một suy nghĩ duy nhất: Cứu người.
Khoảng 2h sáng 10/9, tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), một tiếng nổ như bom vang lên trong đêm tối mịt mùng khiến cả nhà anh Hoàng Văn Tiện (42 tuổi) cùng hơn 40 hộ gia đình sinh sống dưới chân đồi giật mình hoảng sợ.
Nghe tiếng gạch ngói rơi lả tả, anh Tiện vơ vội chiếc đèn pin, chạy xuống phía bờ ao quan sát. Trước mắt anh, đất đá, cây cối cùng nhà cửa từ bên dưới lật lên, chất thành một đống đổ nát, hỗn độn.
Chưa kịp định thần xem chuyện gì xảy ra, anh Tiện nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh từ cách đó 50m. Soi đèn về phía ấy, anh thấy bà Hoàng Thị Thắng (62 tuổi) bị bùn đất vùi chôn tới thắt lưng, tay đang ôm hai đứa cháu vùng vẫy thoát thân.
“Mấy hôm trước mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tôi rất sợ, cả đêm không dám ngủ, cứ chập chờn nghe ngóng. Tôi không nghĩ lại sạt nhiều như vậy, lở ít còn kịp chạy chứ như này thì chỉ còn đường chết”, anh nhớ lại đêm kinh hoàng.
“Biết họ kẹt ở đấy, mình không đi cứu sao đành lòng”
Biết nhà hàng xóm gặp nạn, anh Tiện không suy nghĩ gì, cũng chẳng kịp dặn dò vợ con câu nào, vội vàng bỏ đôi dép ở lại, cầm theo chiếc đèn pin lao đi trong đêm tối. Dù khoảng cách rất gần, anh phải đi vòng 300m lên trên đồi, không dám men theo chân đồi vì sợ sạt.
Sau chừng 15-20 phút băng qua đám cây đổ rạp, gai cọ sắc nhọn cứa vào người và đinh từ nhà sàn bị sập văng ra tứ phía, anh Tiện mới tiếp cận được vị trí ba bà cháu. Nửa thân mắc kẹt trong bùn đất không thể nhúc nhích, bà Thắng khẩn thiết nhờ anh bế hai cháu nhỏ chạy đi.
Anh Tiện vừa đón được cháu Hoàng Minh Khang (5 tuổi) thì đất tiếp tục sạt xuống, anh vội đẩy cháu bé ra xa hơn 1m. Lúc này, chân anh thụt xuống bùn đất, nghĩ không thoát được chỉ còn đường chết, người đàn ông 42 tuổi dồn hết sức bình sinh rút chân lên.
Nhìn xuống bà Thắng bị cây mỡ to bằng bắp đùi chèn ngang ng*c, đống ván gỗ vùi lấp cùng với cháu Hoàng Thanh Vân, anh Tiện vội dùng đôi bàn tay rớm máu do đinh cứa vào bới đất lên nhưng không ích gì. Anh đành trấn an hai bà cháu chờ mình đi gọi người hỗ trợ, rồi vác bé Khang chạy thục mạng ra phía cánh đồng.
Di chuyển một đoạn chỉ 500m nhưng hết sức khó khăn vì đất sạt xuống lởm chởm, anh Tiện gặp được vợ chồng anh Hoàng Văn Cuộc. Anh nhờ họ sơ cứu cho cháu Khang để nhanh chóng quay lại cứu người.
Đưa tay đón cháu bé, anh Cuộc chưa hết hoang mang vì bỗng dưng đất đá đổ ập xuống trước cửa nhà. Vừa nãy, anh còn nghe thấy tiếng người kêu cứu thất thanh nhưng đành bất lực vì không thể xác định được ở đâu giữa mênh mông bùn đất.
Bất ngờ có 2-3 ánh đèn rọi vào mình, anh Tiện vội chạy lại hướng đó, huy động được 4 người gồm anh La Văn Chai, La Văn Bẩy, La Văn Ban và La Văn Cung đi cứu người. Chẳng có thời gian bàn bạc, họ gạt đi nỗi sợ, người cầm dao, người cầm cuốc, xẻng lao lên khu vực sạt lở dù được khuyên ngăn là “cẩn thận không cứu được ai còn mất mạng”.
“Giờ đã biết họ kẹt ở đấy, mình không đi cứu sao đành lòng”, anh Tiện nói.
Sau một hồi cật lực, 5 người đàn ông hợp sức lần lượt đưa được bà Thắng và cháu Vân lên mặt đất. Lúc này, bùn đất liên tục lún xuống, nước lũ trên cao cứ thể đổ về ào ào.
Anh Tiện cõng bà Thắng chạy nhưng những cú va đập mạnh trước đó khiến bà đau đớn. Bà nói mọi người đi mau, mặc kệ mình vì sợ đất lại sạt tiếp. Không ai đành lòng thấy chết không cứu, cuối cùng, hai người làm điểm tựa hai bên cho bà Thắng nhảy lóc cóc thoát nạn. Khoảng 30 phút sau, họ mới đến nơi tạm lánh an toàn.
Ở đây, bà cháu bà Thắng được sơ cứu, đến hôm sau mới đưa đi bệnh viện điều trị. Bà bị gãy một xương sườn, hai cháu của bà bị xây xước ngoài da. Đau đớn thay, con trai bà Thắng và bố cháu Khang là anh Hoàng Văn Dược (33 tuổi) – Phó Chủ tịch Hội cựu Chiến binh xã Minh Xuân – đã bị vùi lấp, mất tích.
Từ khi thôn gặp chuyện, anh Tiện không có tâm trí để làm gì. Hơn chục ngày nay, anh cùng lực lượng cứu hộ và dân làng túc trực ở hiện trường để tìm kiếm nạn nhân mất tích. Thế nhưng, niềm hy vọng cứ lóe lên trong phút chốc rồi lại hóa thành thất vọng, anh Dược vẫn nằm đâu đó dưới lớp đất sâu.
“Cháu Tiện đến chậm một phút nữa, có lẽ tôi đã chết…”
Vừa thoát khỏi bàn tay tử thần trong gang tấc, bà Hoàng Thị Thắng vẫn chưa hết ám ảnh. Vào đêm xảy ra sạt lở, bà ở nhà cùng con trai Hoàng Văn Dược và hai cháu nhỏ.
Sau tiếng nổ vang trời, bà chỉ kịp ôm lấy hai cháu bé, rồi cả ba bị hất tung lên phía trên. Hai tay cố giữ hai cháu nhỏ ngoi lên mặt đất, bà kêu lên: “Cứu với, cứu ba bà cháu bị vùi ở đây… Có ai không, cứu với…”.
Giữa biển đất vừa sạt xuống, bà Thắng chợt thấy ánh đèn pin của anh Tiện. Chính nguồn sáng le lói này đã đem lại hy vọng cho bà để không bỏ cuộc, để cố hết sức cho các cháu được sống.
Lúc anh Tiện cứu cháu Khang chạy đi và mãi chưa trở lại, bà Thắng nghĩ mình sẽ bị đất chôn vùi cho đến chết. Bà chỉ thương cháu gái còn quá nhỏ đã phải đối diện với nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Rồi anh Tiện quay lại cùng người hỗ trợ, cậy từng miếng ván để đưa bà Thắng ra ngoài. Khi ấy, bà tả tơi, không còn mảnh áo trên người. Bà kiệt sức đến nỗi nói không ra hơi, chỉ biết rằng mình và cháu gái vẫn còn một cơ hội được sống.
“Nếu cháu Tiện đến chậm một phút nữa, có lẽ tôi đã chết rồi, không thể gắng gượng nổi nữa”, bà nghẹn ngào nhớ lại.
Ngày bà cháu bà Thắng được xuất viện về, anh Tiện ghé qua hỏi thăm. Vừa thấy ân nhân, bà lao ra ôm anh, khóc nức nở: “Hôm đấy mà không có Tiện thì bà và hai cháu không còn được về với gia đình nữa đâu”.
Dù giữ được mạng sống, từ khi xảy ra chuyện, bà Thắng như người mất hồn. Một tiếng gọi, một tiếng xe máy chạy qua cũng đủ khiến bà giật mình.
“Đau đớn thể xác tôi có thể chịu đựng được, nhưng tôi đau lòng vì chưa tìm thấy con trai”, bà lau nước mắt nói.
Cũng từ cái ngày định mệnh ấy, thôn Át Thượng vốn yên bình giờ vẫn hoang tàn, ngổn ngang. Hy vọng ở lại mảnh đất này không còn vì gia đình anh Hoàng Văn Tiện thuộc diện di dời khẩn cấp. Nửa tháng qua, cả nhà phải trú tạm ở phòng nghỉ do các nhà hảo tâm tài trợ chi phí rồi nương nhờ người thân, chờ chính quyền sắp xếp khu tái định cư.
Câu chuyện “người hùng” cứu sống ba bà cháu là kỳ tích sưởi ấm thôn Át Thượng giữa những ngày tang thương. Nhưng đối với anh Tiện, đó đơn giản chỉ là một việc tốt nên làm.
“Thật may tôi đã cứu được ba bà cháu để không phải rơi nước mắt hối hận. Nếu lúc đó đất tiếp tục sạt xuống, tôi nghĩ con số sẽ không phải là 9 mà là 13 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có cả tôi. Giờ chỉ mong sao tìm được em Dược để gia đình được an ủi”, anh Tiện ngậm ngùi nói.