Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
4781 lượt xem

Người mẹ khổ đau đến chết xin miếng cơm cho đứa con nhiễm chất độc da cam

Hơn mười năm chạy chữa cho chồng, trong nhà có gì bán được bà Sinh đã bán, nơi nào có thể vay mượn được bà cũng đã hỏi vay.

Mắc căn bệnh xơ gan đã đến giai đoạn cuối, người đàn bà góa không còn nghĩ đến bản thân mình nữa. Bà chỉ ước, sau khi “nhắm mắt xuôi tay”, đứa con trai duy nhất câm điếc bẩm sinh có bát cơm ăn.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm về thôn Tân Hiệp, xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang thăm mẹ con bà Vy Thị Sinh (62 tuổi), ngay sau khi nhận được thông tin từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang về một gia đình lâm vào cảnh vô cùng bi đát, rất cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng.

Vượt qua lối đi nhỏ cỏ mọc um tùm và khoảng sân hẹp đầy rêu mốc, chúng tôi bước vào căn nhà cũ kĩ của mẹ con người đàn bà góa tội nghiệp.

Trên chiếc bàn thờ nhỏ nơi góc nhà, vẫn còn đang nghi ngút khói hương là di ảnh người quá cố với ánh nhìn thảng thốt… Dường như ông không thể an lòng ra đi, khi trên đời còn người vợ mang bệnh hiểm nghèo và đứa con trai thiểu năng trí tuệ, câm điếc bẩm sinh đang ngày đêm lay lắt sống trong cảnh khốn khó đến cùng cực.

Thấy khách đến nhà, bà Sinh gắng sức tàn chống 2 tay xuống giường để ngồi dậy. Nhưng cái bụng phình to như cái trống lại “kéo” người đàn bà góa này ngã vật xuống giường. Thấy vậy chị cán bộ xã Đại Sơn vội vàng chạy tới đỡ bà ngồi tựa lưng vào thành giường.

Thở hổn hển, bà Sinh cho biết: “Từ ngày ông nhà tôi mất, bệnh của tôi càng trở nặng hơn. Bụng càng ngày càng to ra, đi lại khó lắm, tôi biết tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tôi chỉ lo thằng bé này sẽ sống thế nào khi ngày tôi về gặp ông ấy…”, nói rồi, bà Sinh hướng đôi mắt đỏ hoe về góc nhà, nơi có người thanh niên mặt mũi cáu bẩn, ngờ nghệch đang ngồi vân vê vạt áo nhăn nhúm.

Giọng buồn bã, bà Sinh kể: Chồng bộ đội cứ đi biền biệt, nên đến năm hơn 40 tuổi bà mới mang thai đứa con đầu lòng. Ngày bà sinh con trai, không chỉ đôi vợ chồng hiếm muộn này hạnh phúc biết nhường nào, mà cả hai họ đôi bên cũng mừng vui không kém.

Nhưng thật trớ trêu, càng lớn đứa trẻ càng có những biểu hiện bất bình thường như gọi tên không có phản xạ, không nói… Nay đã 21 tuổi, nhưng người con trai câm điếc bẩm sinh của bà Sinh (anh Hoàng Văn Mười- PV) tâm trí vẫn chỉ như đứa trẻ lên 3, mọi sinh hoạt cá nhân vẫn phụ thuộc vào người khác.

“Ông nhà tôi bị nhiễm chất độc hóa học nên thằng Mười mới bị như thế. Ông ấy cũng mắc nhiều bệnh lắm, hơn chục năm nay các căn bệnh phổi, bệnh gan, bệnh tim liên tục hành hạ ông ấy. Những tháng cuối đời ngày nào ông ấy cũng phải tiêm thuốc giảm đau… “, bà Sinh ứa nước mắt nói.

Hơn mười năm chạy chữa cho chồng, trong nhà có gì bán được bà Sinh đã bán, nơi nào có thể vay mượn được bà cũng đã hỏi vay. Khi còn sức lực, để lo chữa bệnh cho chồng và chăm sóc đứa con tật nguyền, người phụ nữ này không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc gì….

Thậm chí có hôm trời đã xẩm tối, mọi người vẫn còn thấy người đàn bà nghèo khó này mò mẫm ở các bờ mương, con suối tìm kiếm con cua, con cá để cải thiện bữa ăn cho chồng, con.

Có lẽ, những năm tháng gồng mình vì chồng, vì con đã vắt kiệt sức người phụ nữ khốn khó… Tháng 4/2020, đang đi làm đồng thì bà Sinh đột nhiên ngất xỉu. Mọi người tá hỏa đưa bà tới bệnh viện thì phát hiện bà bị tràn dịch màng phổi, xơ gan. Để 2 vợ chồng được tiếp tục chữa trị, không có cách nào khác bà Sinh lại phải vay mượn khắp mọi nơi.

“Nợ cũ, nợ mới giờ tôi không dám cộng là lên đến bao nhiêu nữa. Tôi không dám vay và cũng không thể vay được nữa. Nên đã từ lâu tôi cũng không dám đến bệnh viện. Còn ông nhà tôi cũng chỉ cầm cự đến tháng 6 năm nay… “, bà Sinh nói rồi ôm ngực thở hắt.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Lương Văn Tứ – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn ái ngại cho biết: “Tôi chưa thấy ai khổ như nhà bà Sinh. Sau nhiều năm chạy chữa cho chồng, bà ấy đã kiệt quệ. Giờ mang bệnh hiểm nghèo không tiền chữa trị, con trai tật nguyền mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác. Các anh em con cháu bà, người ở xa, người gần cũng nghèo khó chẳng giúp đỡ được gì.

Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng vận động hỗ trợ được mái nhà tình nghĩa che mưa che nắng, nhưng kinh phí chữa bệnh và sinh hoạt hàng ngày thì chưa biết tìm đâu. Qua báo Dân trí chúng tôi rất mong muốn kính nhờ quý báo và bạn đọc chung tay giúp đỡ hoàn cảnh mẹ con bà Sinh”.

Nắm lấy đôi tay teo tóp của bà Sinh, tôi khẽ hỏi: “Bây giờ bà có mong muốn gì ạ?”.

“Tôi ước có được chút tiền chữa bệnh, để thằng Mười vẫn còn chỗ dựa một ngày cũng quý. Xin mọi người thương thằng con tôi với, cho cháu có bát cơm ăn khi tôi không còn…”, giọng run rẩy, từ 2 hốc mắt sâu thẳm của bà Sinh chắt ra 2 giọt nước lăn nhanh trên đôi gò má già nua teo tóp.

Người đàn bà bất hạnh đã khóc, nhưng không còn nước mắt để rơi nữa. Bởi lẽ, cuộc đời quá ư nghiệt ngã đã lấy đi tất thảy mọi thứ của bà, đến cả những giọt nước mắt cuối cùng.

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: