Làm đủ thứ nghề mà cuộc sống vẫn khó khăn túng quẫn, chị Nông Thị Dung giờ đây đã là tỷ phú gây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt giá trị 20 tỷ.
Sau 12 năm nỗ lực, hiện chị Dung đang sở hữu trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm và trồng cây ăn quả trị giá lên đến 20 tỷ đồng. Chị Dung là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.
Tự đưa mình vào thế “cưỡi trên lưng hổ”
Tại trang trại của gia đình chị Nông Thị Dung, tổ 4 phường Ngọc Xuân, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng khi chúng tôi đến, tiếng lợn con đòi ăn trong chuồng quyện tiếng gió trên núi cao nghe như có cả một dàn hợp xướng trên non cao.
Thật khó có thể hình dung, chủ của trang trại có giá trị lên đến 20 tỷ đồng đang ngồi trước mặt chúng tôi đây lại đã từng lăn lộn đủ nghề để mưu sinh. Chị bảo, khi đó làm cái gì cũng thất bại, thấy nấu rượu, làm chè làm đậu bán dạo mãi vẫn không đủ ăn nên đã quyết định cùng chồng chuyển nhà lên khu rừng PAM trước đó được nhà nước cấp để nuôi lợn.
Nhớ lại những tháng ngày cơ cực, lăn lộn mưu sinh mà khi nào cũng thiếu ăn, chị Dung không khỏi lắc đầu. Ngày ấy khó khăn lắm, chỉ tính sao có đủ bát cơm mà xọp cả người đi. Sáng thì dậy sớm đêm thì ngủ muộn để có được những bìa đậu mà bán cho người ta, đi rạc cả chân, hoa cả mắt mà cũng có đủ ăn đâu.
“Sinh ra đã nghèo khó rồi, dù cũng chăm chỉ đấy nhưng cái duyên làm giàu chưa tới, tôi nghĩ lẽ nào cứ chịu mãi vậy. Sau nhiều đêm tính toán, tôi và chồng bàn nhau rồi quyết định chuyển lên khu rừng PAM này, cũng đã ngót nghét 12 năm rồi, cũng vay mượn, chật vật mãi mới có được như ngày hôm nay”, chị Dung bộc bạch.
Theo chị Dung, gia đình chị ngày trước được nhà nước cấp đất trồng rừng theo dự án PAM, tổng diện tích hơn 3ha. Núi cao, đất dốc trồng cây khó lớn vì bị rửa trôi; cả nhà quyết định tập trung nấu rượu lấy bống nuôi lợn, lúc này mới thực sự khó khăn vì phải vay mượn rất nhiều.
“Tôi cũng đã vay vào khoảng 2 tỷ đồng rồi. Nói thật lúc đầu cũng lo lắm, xưa làm đậu phụ bán dạo, tiền không có nhưng không phải vay mượn nhiều vậy bao giờ. Cũng thất bại nhiều rồi, nuôi lợn thì lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi, nấu rượu thì khó khăn đầu ra.
Nghĩ lại, cũng thấy mình có đôi phần liều. Nhưng khó mãi rồi, có sức khỏe, chịu khó thôi thì cũng không khá được, muốn giàu phải liều vậy. Nhiều khi khó khăn quá lại nghĩ giá mình không đánh cược lớn vậy thì đỡ đau đầu nhưng giờ đã vào thế “cưỡi trên lưng hổ” thì chỉ còn cách theo tới cùng thôi”, chị Nông Thị Dung cười.
Trở thành chủ nhân trang trại trị giá 20 tỷ đồng
Dẫn chúng tôi đi một vòng xưởng sản xuất rượu và trại lợn, chị Dung bảo, nấu rượu lời lãi không được bao nhiêu, chủ yếu lời được bỗng rượu để nuôi đàn lợn thôi.
Xưởng nấu rượu của gia đình chị có lẽ cũng phải gần 400m2, toàn bộ được đầu tư máy móc thiết bị, nồi nấu đều sử dụng điện. Chị Dung cho hay, rượu nhà chị có tên là rượu Thiên Vương, hiện cũng khá được ưa chuộng trên thị trường.
Rượu Thiên Vương được đóng chai, gắn nhãn mác sản phẩm, và được xuất bán nhiều tại các thị trường như: Hà Nội, Thái Nguyên, trong tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận. Theo chị Dung, hiện trung bình gia đình mỗi tháng sản xuất được hơn 5000 lít rượu.
“Lời lãi từ rượu không nhiều nhưng cũng khá ổn định, quan trọng là có bỗng rượu chăm đàn lợn có lúc lên đến hơn 30 con nái. Lứa nào đẻ cũng đều giữ lại để nuôi, thời điểm nhiều nhất, trong chuồng nhà tôi có đến hơn 500 con lợn thương phẩm.
Trung bình mỗi năm tổng thu từ rượu và chăn nuôi gia đình tôi cũng có được khoảng hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên có được tiền là gia đình tôi lại đầu tư vào trồng cây, cải tạo trang trại, mua sắm thiết bị nên cũng không còn được bao nhiêu. Tính đến giờ, tổng chi phí cho trang trại này cũng đã khoảng 20 tỷ đồng”, chị Dung cho biết thêm.
Bao bọc xung quanh trại lợn và xưởng rượu là bạt ngàn cây dẻ, dẻ nhà chị Dung tuy mới trồng được 5 năm nhưng đã bắt đầu bói quả. Chị bảo, vài năm nữa thôi rừng dẻ này có lẽ sẽ là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Men theo lối nhỏ phía dưới xưởng rượu, anh Vi Phi Khương, con trai chị Dung dẫn chúng tôi đến khu rừng dẻ khoảng chừng 3ha. Cây tuy chỉ mới cao hơn tầm tay với một chút nhưng đã cho quả khá nhiều.
Phi Khương là thạc sĩ chuyên ngành thú y, tuy nhiên anh đã quyết định không đi xin việc mà ở nhà phụ giúp gia đình quán xuyến đàn lợn và rừng cây ăn quả. Khương bảo, làm chăn nuôi và trồng cây ăn quả cần người có chuyên môn, mình không làm thì cũng lại phải thuê người có chuyên môn để làm mới được.
Nhà chị Dung luôn duy trì khoảng 10 lao động để phát cỏ và chăm sóc rừng cây, tất cả lao động đều là người địa phương, hiểu về đặc điểm của rừng cây và chất đất nên việc trồng cây dẻ của gia đình cũng khá thuận lợi.
Nhìn những cây dẻ đang vào vụ trĩu quả trên cành, Khương cho hay, đây là loại dẻ ghép, quả rất to, ngọt và bùi; nếu cứ ổn định được như thế, năm sau sẽ có quả bán.
Rừng chiều trở gió, quả dẻ khô đáp xuống nền cỏ lách tách bung vỏ, Phi Khương nhón tay nhặt dẻ đưa lên, hạt dẻ trên tay Khương nâu sậm to gần bằng miệng chén mắt trâu. Từ trên trại lợn, chị Dung mắt rạng ngời nhìn xuống vườn dẻ. Gió rừng vẫn thổi, tiếng lợn kêu đòi ăn đã vợi, chỉ còn tiếng lá cây và những chùm dẻ khô lách tách bung những hạt chắc mẩy dưới tán rừng…
- Thu nhập 120 triệu không chạy đua mua nhà, sắm xe: Đừng so sánh tốc độ đi của mình với người khác
- 3 quy tắc “vàng” giúp bạn có nhiều hơn một nguồn thu nhập
- Bắc Giang: Bí quyết để người dân thu 1.500 tỷ đồng/năm từ nuôi gà đồi Yên Thế
- 5 tư thế quan hệ đứng giúp cuộc ‘yêu’ trở nên thú vị hơn, đặc biệt chàng trai nào cũng thích
- Thanh Hóa: Trai làng bỏ giấc mơ sang Nhật về quê gom 10 ha đất, trồng cây gì, nuôi con gì mà thu tiền tỷ?