Viên ngọc không bao giờ đẹp nếu chưa qua mài dũa. Người không bao giờ trưởng thành nếu chưa qua va đập, vấp ngã rồi lại đứng dậy trong đời. Nếu chỉ có một chút cảm xúc nhất thời mà bạn đã đòi “nghỉ hưu non” thì bạn sai rồi.

Khoảng vài năm trước, cộng đồng mạng bắt đầu xôn xao với bài hát “Thời thanh xuân sẽ qua”, kể từ đó người trẻ bắt đầu có khái niệm “Về quê anh đi, em à… Anh sẽ xây ta một căn nhà – Trước sân trồng thêm rau cà – Ở đằng sau, mình nuôi thêm hồ cá”, như vậy gọi là bình yên, thanh thản. Đến độ năm 2019, mốt của giới trẻ đã bắt đầu “chill phết”, nếu công việc áp lực quá hãy đập bàn xin nghỉ việc và về quê chill với anh.

Thực sự thì, lý do lớn nhất ở đây là người trẻ đang gặp quá nhiều rắc rối, phức tạp trong những mối quan hệ trong cuộc sống, stress vì năng lực bản thân cũng như yêu cầu của công việc hiện tại và chưa có một cái nhìn đúng đắn về việc về quê thì sướng hay khổ.

Muốn về quê nuôi bò nhưng bạn có đủ tiền để mua một con bò hay không?

Bạn đang sống ở một thành phố nhộn nhịp, phồn hoa với sóng wifi căng đét, quẹt thẻ tín dụng để chi tiêu trước trả tiền sau, ngày đủ 1 cử cà phê, 1 cử trà sữa, cuối tuần 1 cử buffet, 1 vé xem phim. Chưa kể nếu bạn còn đang ở độ tuổi 19, đôi mươi, có thể bây giờ bạn vẫn chưa phải lo lắng gì cho những bữa cơm hay việc ngủ muộn, dậy sớm.

Việc của bạn to nhất phải làm là ngồi ở giảng đường và nhận được tấm bằng đại học tử tế đem về báo hiếu cha mẹ. Còn nếu bạn đã là nhân viên đi làm, ừ thì đúng, bạn phải chịu quá nhiều áp lực giao từ sếp, deadline chạy liên tục, chằng chịt cả cuốn lịch bàn, những lời càm ràm, phàn nàn, yêu cầu thái quá từ khách hàng và kinh khủng nhất là phải luôn giữ một bộ mặt “cười 8/5” (8 tiếng trong 5 ngày đi làm) với đồng nghiệp nếu không muốn trở thành chủ đề chính của những cuộc gossip hay bắt nạt chốn công sở.

Nhưng bạn thử đánh giá lại bản thân mình một chút: Từ bé đến giờ, bạn đã trồng được một cái cây cảnh chưa? Thôi cũng không cần. Bạn đã bao giờ tưới nước thường xuyên cho một chậu cây ra hoa, kết quả hay chưa? Hay bạn chỉ mang một chậu cây về đặt ở góc bàn cho theo phong cách “sống xanh” nào và rồi bố mẹ bạn là người phải vứt chúng đi vì héo quắt, héo quơ?

Vậy thì sao bạn lại tự tin về việc mang một túi hạt giống về quê, xin một mảnh đất nhỏ rồi gieo hạt, bón phân, tưới nước, lại còn phải học lại từ đầu về ngành “Nông nghiệp học” thì mới may ra cây của bạn mới không chết giữa chừng. Còn nếu chúng ra được bông hoa, trái ngọt đầu tiên thì chắc phải tốn không biết bao nhiêu thời gian để lấy kinh nghiệm. Trong thời gian đấy, thật sự không biết bạn tự nuôi sống bản thân bằng gì đây?

Đó mới là diễn giải về điều đơn giản nhất, còn nếu xoáy sâu, phân tích vấn đề kỹ càng hơn thì xin hãy đọc những lời tâm sự “hơi chát” nhưng đó đúng là sự thật phũ phàng của Nhà Văn Nguyễn Ngọc Thạch:

“Tôi thấy nhiều ông nhiều bà đang ở thành thị, hở chút buồn bực mệt mỏi, học hành khó nhằn, đi làm gặp sếp khó hay khách hàng kỳ cục, bất mãn gì đó, hay mưa quá, ngập quá thì lại bày đặt “thôi mình về quê kiếm miếng đất, trồng hoa, nuôi gà…” Tôi thật, mời các ông bà về ngay và luôn giùm tôi nhờ, thành thị bớt vài người như các ông bà có khi lại thoáng hơn…

Ở đây tay dính cát bụi một chút đã than trời, về quê đi rồi học cách cầm phân gà, hay phân bón mà chăm cho từng cái cây, gốc lúa. Tối tầm 7h nằm nghe tiếng nhái ễnh ương kêu thay cho nghe nhạc, muốn coi phim thì chạy 20 cây số xuống thành phố gần nhất mà coi. Cafe với bạn bè thì cũng quên đi”.

Có thể bạn sẽ tranh cãi tại sao Lee Hyori quyết định ra đảo sống cùng chồng, họ trồng rau và đang sống hạnh phúc cùng mấy chú chó? Nhưng đã có ai kể cho bạn biết, cô ca sĩ Lee Hyori đã cống hiến hoàn toàn tuổi thanh xuân của mình cho nghệ thuật, trong phòng tập, trên sân khấu đến mức bật máu chưa? Bạn có còn nhớ 10 năm trước khi Audition mới xuất hiện tại Việt Nam, cái lúc bạn còn chưa biết nhiều gì về Internet thì bạn đã phải thuộc lòng bài “10 minutes” của Lee Hyori rồi.

Tuổi trẻ của cô đã dành tất cả cho đam mê công việc, để kiếm sống, nuôi sống bản thân mình, gia đình mình, đi làm từ thiện và còn phải tích luỹ tiền bạc để chuẩn bị cho cuộc sống “trồng rau nuôi tằm” này. Tài sản của họ kếch xù đến mức cả đời này chắc bạn không bao giờ mơ tưởng đến nổi. Bởi vậy đừng trách tại sao Nguyễn Ngọc Thạch lại cho rằng:

Ba mẹ các ông các bà thương đất thương đai, phấn đấu cày cấy cho ông bà có tiền lên thành thị học, rồi phát triển tương lai sau này. Nào ngờ giờ các ông bà lại muốn “nông thôn hóa thành thị”, có phải là phụ lòng ông bà già ở nhà không. Nên đừng nản các ông bà ạ, đời mà, làm gì có lúc nào bình yên hay êm ả, nên sóng gió khó khăn là chuyện bình thường. Mình tử tế, khéo léo, đường hoàng rồi cũng vượt qua, còn giữ được cái mạng là còn xoay chuyển được. Mộng mơ gì tầm này, làm việc đi. Quê đang yên bình, ai ơi đừng về.

Ngay cả trong “Bài này chill phết”, Đen Vâu cũng đã phải hát đến “khô bản họng” trên sân khấu, ký không biết bao nhiêu hợp đồng quảng cáo và ngay cả bài hát này rõ ràng cũng đang quảng cáo cho thương hiệu một nước giải khát mà cũng chỉ dám “chill” vào cuối tuần, vài ngày trong đời chứ không phải vứt hết, ôm mộng về quê mà sống.

Bạn còn trẻ, còn cả một tương lai rất dài, rất rất dài phía trước, còn quá nhiều điều để thực hiện, có quá nhiều thứ mới mẻ để khám phá. Chẳng lẽ chỉ vì bị sếp mắng, bạn giận, bố mẹ than phiền một chút thôi cũng tự cho rằng mình bị “stress”, trầm cảm trầm trọng cần được xe 115 chở thẳng về quê, sáng mai dậy nuôi bò thì sẽ thấy cuộc đời tươi đẹp hay sao?

Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng sau một ngày dài, hãy thử nuông chiều bản thân với những điều

Hoặc ai cũng có một niềm đam mê vô tận và muốn theo đuổi nó cho bằng được. Bạn ao ước được sống ở vùng nông thôn thanh vắng, không phải tiếp xúc với ai, không bị phiền nhiễu bởi internet, smartphone. Thế nhưng có một vấn đề quan trọng bạn cần phải ý thức được, đó là bạn muốn về quê nuôi bò thì bạn phải có đủ tiền mua một con bò trước đã.

Trong câu chuyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, dế mèn mẹ cũng đã cho dế mèn con một vài cọng rơm để cậu tự nuôi sống bản thân mình trước đã thì mới hòng làm được chuyện lớn. Bạn giờ cũng đã trưởng thành, không ai cho bạn thứ gì mà bạn phải tự chuẩn bị cho mình một hành trang từ kiến thức, tiền bạc đến kỹ năng mới bước ra đời và thực hiện đam mê được.

“Các ông bà tưởng giờ về quê kiếm đất dễ lắm? Tôi lạy! Đất nông nghiệp không có thổ cư, cách đường nhựa cả cây số cũng tằng tằng 200 triệu một mét ngang, mấy ông đủ tiền mua mấy mét? Một mét ngang hai mét dọc, bao sâu nhé. Rồi có đất xong các ông bà đào tiền đâu để lấy vật tư xây nhà? Giờ xây cái chòi cũng tốn tiền chứ đừng nói cái nhà. Nên chưa có vài tỉ thì đừng nghĩ, còn nếu đất ông đất cha thì cứ việc về đấy mà cấy cày. Sáng bốn giờ dậy chuẩn bị ra cày, trưa nắng nghỉ một chút, chiều gặt, không dùng sức người thì ngồi lên máy cày, hay cầm cây đi xua bò. Mấy ông mấy bà ra đường ăn còn làm biếng, gọi giao hàng đến đầu hẻm còn sợ nắng không dám ra lấy. Thôi thì thử về quê đi cày giùm tôi hai tháng xem sao”, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ.

Bất cứ ai trong chúng ta đều phải trải qua giai đoạn trưởng thành – đây là một trong những giai đoạn quan trọng nhất để định hình bạn là ai, bạn làm được gì cho cuộc đời này và dĩ nhiên là nó không hề dễ dàng. Một chú gà muốn bước ra thế giới cũng phải đạp dữ dội và tốt rất nhiều sức lực để tách lớp vỏ trứng. Ở độ tuổi đôi mươi, thậm chí đôi ba này, tiền hay tình không phải là việc bạn dành hết cả tâm lực mà chính là “đả thông tư tưởng”.

Tinh thần có phấn chấn, mục tiêu có được vạch ra rõ ràng và cống hiến cả sức trẻ thì may ra bạn mới đạt được những thành công nhất định nào đó. “Nghỉ hưu non” làm ơn chỉ có trong một vài ngày bạn được phép đi du lịch mở mang tầm mắt, kiến thức, xả hơi để lên dây cót trở về công ty làm việc tiếp chứ xin đừng là lý tưởng phấn đấu của cuộc đời bạn.

Design: Nguyễn Đan