Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
130 lượt xem

Nguyên tắc giáo dục con cái thông minh: Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Đối với việc giáo dục con cái cần phải có quan điểm và nguyên tắc nhất quán, cha mẹ chung sức đồng lòng mới có thể thành công.

Bất đồng quan điểm trong việc giáo dục con cái

Cậu con trai nhà chị Hương năm nay 3 tuổi, khá còi và lười ăn. Chị đã tìm đủ mọi cách để cho con ăn, nấu những món ăn ngon nhất, hợp khẩu vị trẻ em nhất nhưng tình hình không hề cải thiện. Bữa ăn nào cả nhà chị cũng như đang đánh vật với con, vô cùng mệt mỏi.

Điều đáng nói, khi chị đang cố ép con ăn cho đủ chất, mẹ chồng lại xót cháu, muốn cháu ăn tùy ý thế nào cũng được. Chị vừa bê bát cơm, vừa chạy theo con dỗ dành thì bà nội lại chen ngang: “Nó không ăn thì thôi, đừng ép nữa”. Nghe xong, thằng bé lại ngọng nghịu nói lại: “Đừng ép con, đừng ép con”. Chị Hương ngao ngán nhưng không dám cãi lời mẹ chồng, đành phải cất chén cơm còn dở của con.

Chuyện bất đồng trong việc giáo dục con cái không phải là hiếm. Gia đình vốn là sự kết hợp giữa những người đến từ những nền giáo dục khác biệt, độ tuổi khác nhau nên quan điểm cũng khác nhau.

Thông thường, xung đột trong cách giáo dục con cái thường xảy ra ở những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Đặc biệt giữa ông bà và cha mẹ, họ sẽ phân vân giữa cách giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, xung đột này cũng có thể xảy ra giữa hai vợ chồng, phụ thuộc vào quan niệm, sự tiếp thu của từng người. Có những gia đình không chỉ bị ảnh hưởng bởi ông bà, cha mẹ mà còn chịu ảnh hưởng từ quan điểm giáo dục của người giúp việc, bà hàng xóm khiến mọi việc càng thêm phức tạp.

Bất đồng quan điểm trong giáo dục con cái nguy hiểm như thế nào?

Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thế này rất nguy hại. Trẻ em rất thông minh. Chúng biết lợi dụng mâu thuẫn, tìm ra kẽ hở, nghiêng về phía người nuông chiều mình để tránh việc thực hiện trách nhiệm. Dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen chống đối, chỉ thích làm theo ý mình. Khi đó, việc giáo dục không còn tác dụng nữa, người lớn chỉ còn cách bất lực mà thôi.

Việc bất đồng trong giáo dục con cái còn khiến cho trẻ em hoang mang, dao động. Điều này khiến trẻ không biết điều gì là đúng, điều gì là sai, không biết phải làm theo ai. Dần dần, chúng sẽ mất hết tự tin, cảm thấy chán nản vì làm gì cũng không vừa lòng bố mẹ. Lớn lên, trẻ dễ trở thành người rụt rè, nhút nhát, thiếu chủ động.

Chưa kể, trẻ còn thường xuyên cảm thấy bất an, lo sợ khi chứng kiến bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn. Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường như thế khó tìm thấy sự cân bằng tâm lý, dễ gắt gỏng, bực bội, khó chịu với cuộc sống.

Biện pháp khắc phục

Trước hết, cha mẹ phải có sự thống nhất về quan điểm giáo dục con cái, phân công rõ ràng trách nhiệm của mỗi người dựa vào thế mạnh bản thân. Ví dụ, mẹ sẽ dạy con nấu nướng, làm việc nhà; bố dạy con học, chơi thể thao; ông bà dạy cháu đọc sách, cách đối nhân xử thế…

Nếu có bất đồng quan điểm, cần tránh cãi nhau trước mặt con, nên thảo luận riêng để có được sự thống nhất. Khi con hỏi, bố mẹ hãy trả lời rõ ràng, dứt khoát. Khi người này đã bày tỏ ý kiến, người kia không nên thể hiện quan điểm trái ngược ngay lúc đó trước mặt con. Khi con làm sai, thay vì trách mắng dồn dập, hãy phân tích nhẹ nhàng để con hiểu vấn đề, giúp con hiểu được hậu quả tránh tái phạm lần sau.

Giáo dục con cái là một quá trình bền bỉ, lâu dài. Các bậc cha mẹ hãy làm gương cho con, xây dựng một nền giáo dục gia đình lành mạnh. Quan trọng nhất, mỗi gia đình cần có thái độ nhất quán trong giáo dục trẻ, giúp con định hình một nền tảng nhân cách tốt.

 

Bài viết cùng chủ đề: