Tôi nhận ra mình chính là người vợ trong bài “Bố vợ hẹp hòi, cho nhà đất nhưng không để tôi đứng tên”; dù rất yêu chồng nhưng tôi không xin bố thay đổi quyết định.
Mặc dù khi đăng bài trên mục Tâm sự của VTC News, chồng tôi đã đổi tên nhưng tôi vẫn nhận ra câu chuyện gia đình mình. Vì lý do tế nhị, tôi cũng xin không nêu tên thật và địa chỉ nhà, chỉ muốn nói rõ sự việc để mọi người có cái nhìn khách quan hơn. Tôi đoán rằng chồng tôi kể câu chuyện lên đây cũng vì muốn vợ đọc được để “biết đường cư xử”, như anh nói.
Tôi từng suy nghĩ nhiều trước khi quyết tâm lấy anh làm chồng, bởi tôi sợ sự phức tạp khi lấy người qua một đời vợ, sợ chuyện con riêng con chung, chuyện ở chung với đại gia đình chồng. Dưới anh có em trai đã lấy vợ sinh con và cùng ở trong nhà. Vợ chồng chú ấy đều nhiều tuổi hơn tôi.
Con riêng chồng tôi trước ở với bố và ông bà nội. Khi tôi về làm dâu có sống cùng cháu một thời gian, sau mẹ cháu ngỏ ý đón về ở với chị ấy và gia đình chồng tôi đồng ý. Mỗi cuối tuần hoặc ngày nghỉ ngày lễ, chúng tôi lại đón cháu về, đưa đi chơi.
Mọi chuyện không có vấn đề gì lớn trừ việc 3 gia đình, 3 thế hệ ở chung trong một ngôi nhà. Những ai làm vợ, làm dâu sẽ hiểu là có nhiều điều mệt mỏi, dù nhà chồng tôi đều là người tốt.
Không phải ông bà ép buộc 2 con dâu sống chung, mà vì các con không ai có khả năng mua nhà ra riêng cả. Đó là lý do hồi trước chồng tôi và vợ cũ anh ấy góp hết tiền tiết kiệm để xây lại nhà trên đất bố mẹ, vì chừng đó tiền cũng không đủ vừa mua đất vừa xây.
Bản thân tôi sức khỏe hơi kém, dễ stress khi có áp lực về tinh thần, nên nhiều lúc thể hiện sự mệt mỏi trong cuộc sống chung đụng. Bố mẹ đẻ tôi xót con. Sẵn chỗ nhà đất mua để đầu tư nhưng chưa bán được vì thị trường bất động sản đang im lìm, ông bà gọi sang cho. Và chuyện xung khắc cũng từ đây mà ra.
Tôi không bao giờ dám nghĩ xấu về chồng và gia đình chồng, không hề nghĩ họ tham lam muốn chiếm tài sản bố mẹ cho tôi như nhiều độc giả kết tội. Tuy nhiên, tôi bảo lưu quyết định không để chồng đứng tên nhà đất bố mẹ cho.
Thứ nhất, tôi tôn trọng quyết định của bố mẹ; ông bà có quyền đòi hỏi tài sản đó được sử dụng theo ý nguyện của mình. Tôi tôn trọng nỗi lo lắng của bố mẹ về tương lai của tôi. Tôi không được phép khiến bố mẹ già phải nơm nớp sợ con mình tay trắng bước khỏi nhà chồng.
Thứ hai, phải thú thật, tôi cũng nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Ai dám nói chúng tôi sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời? Bản thân anh từng ly hôn, điều này cho thấy chẳng có mối QH nào chắc chắn và vĩnh viễn. Tôi không bao giờ muốn vợ chồng chia tay, nhưng chính anh cũng bảo “hết duyên hết nợ thì đành chấp nhận buông nhau ra” đó thôi.
Vợ trước của anh chính là bằng chứng về sự thiệt thòi của người phụ nữ khi dốc hết vốn liếng cho nhà chồng nhưng đến lúc ly hôn thì chẳng có gì của mình cả. Nhà mình góp tiền xây nhưng là tài sản của bố mẹ chồng.
Vâng, tôi tin nhà chồng tôi không có ý lợi dụng, vì họ vẫn nghĩ con dâu sẽ là người nhà mình trọn đời. Nhưng chuyện chị ấy ra đi tay trắng vẫn là sự thật. Tôi không muốn như vậy. Tôi có thể cho đi phần đóng góp do chính mình làm ra, nhưng của bố mẹ tôi cả đời đổ mồ hôi sôi nước mắt thì không.
Còn chuyện của chồng công vợ, đâu phải là chuyện đứng tên. Tôi tin rằng 10 gia đình chồng thì 9 gia đình không để con dâu đứng tên nhà đất mà họ chia cho con trai. Lý lẽ đưa ra mỗi người mỗi khác, nhưng thực tế họ cũng “chắc lép”, “tính toán” như bố đẻ tôi cả thôi. Ai cũng phải nghĩ cho quyền lợi của con cái và gia tộc mình. Vì thế nên tôi không đòi hỏi, và tôi nghĩ chồng tôi cũng nên thế.
Chồng ạ, em rất buồn và tổn thương khi anh đăng đàn nói về bố em như vậy. Em hy vọng anh biết nên làm gì để bố khỏi buồn lòng. Ngoài chuyện nhà đất này, chưa hề có điều gì để kết luận em không hết lòng, thật lòng với anh và gia đình chồng cả. Chuyện ai đứng tên, anh chỉ cần nghĩ giống như cách anh muốn em nghĩ về chuyện nhà đất bố mẹ anh là được.
Em đã nói hết điều cần nói, nếu lập luận của anh vẫn như bài viết trước thì em xin phép không trao đổi thêm.