Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
116 lượt xem

Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Đừng khoác lên vai con nghĩa vụ sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ"

Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau nó nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi.

Tôi biết sẽ có nhiều vị phụ huynh và cả các bạn trẻ sẽ lên án tôi khi tôi nói rằng đừng ai sinh con chỉ để có người dựa cậy lúc tuổi già. Bởi nói vậy là đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc. Khi mà câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ vẫn là “Đẻ thằng con trai để sau này còn có người chống gậy”. Rằng, kể cả nhiều cha mẹ trẻ, con mới 3-5 tuổi vẫn nói: “Mai này mẹ già con có nuôi mẹ không?”. Rằng “đầu tư cho con ăn học để mai này lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ”…

Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau nó nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi. Bởi mặc định rằng cha mẹ phải hy sinh mọi điều cho con cái thì sau này con cái mới chăm sóc lại cha mẹ.

Không! Điều đó là không sai. Không ai sai khi chúng ta dành tất thảy những điều tốt đẹp nhất cho con cái.

Nó chỉ sai nếu như tất thảy những thứ chúng ta làm chỉ là để mai sau có đứa nuôi lại mình.

Nó chỉ sai nếu như có những ông bố mang cả sổ đỏ đi cầm cố để lấy tiền cho con vượt biên trái phép bởi vì “Sang Anh sẽ kiếm được tiền nhiều gấp 4-5 lần hiện tại”.

Nó chỉ sai nếu như có những bậc cha mẹ vay mượn vài ba trăm triệu để “chạy cho con một chỗ biên chế trong cơ quan nhà nước”.

Nó chỉ sai nếu như cha mẹ bán hết cả trâu bò lợn gà ở nhà chỉ để gom tiền cho con học Đại Học trên thành phố.

Tôi nói nó sai là bởi kiếm tiền gấp 4-5 lần hiện tại nhưng có thể đánh đổi bằng sinh mạng như vụ 39 nạn nhân chết trong xe thùng đông lạnh.

Tôi nói nó sai là bởi chạy một chỗ ngồi trong biên chế là hối lộ, đút lót, mua chức, mua quyền.

Tôi nói nó sai là bởi Đại Học không phải là con đường duy nhất để thoát nghèo, mà trong trường hợp này, thoát nghèo chưa thấy đâu, gia đình lại càng thêm nghèo túng. Nhưng nhiều cha mẹ đã làm vậy!

Mấy tháng trước, tôi có đọc một bài báo về bi kịch người trẻ lẫn người già ở Singapore. Khi mà cha mẹ bán hết tài sản để đầu tư cho con đi du học rồi khi những đứa trẻ trở về, chưa kịp kiếm được một việc làm tử tế đã phải nai lưng ra trả nợ tiền bố mẹ đi vay, vừa phải nuôi bố mẹ khi bố mẹ đã trắng tay.

Vốn là nhiều cha mẹ Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Đài Loan vẫn thế. Họ sẵn sàng bán cả thận của mình để lo cho con một khoản tiền mong con đổi đời. Là thương con và kỳ vọng vào con.

Và những đứa con thì sao? Trường hợp của cô bé Trà My qua lời kể của mẹ cô, bà Nguyễn Thị Phong: “Tôi khuyên con ở nhà lấy chồng, nhưng nó bảo cố đi nốt chuyến này, kiếm tiền trả nợ giúp bố mẹ thoát nghèo đã rồi tính chuyện lập gia đình sau”.

Bi kịch của chữ Hiếu nhiều khi còn bi ai hơn cả chữ Tình. Trong hầu hết các bài báo thuật lại lời kể của những người nhập cư trái phép, những người vượt biên trong những chiếc xe tải kéo thùng đông lạnh hay những người trốn lại ở xứ người, tham gia vào các đường dây nhập cư trái phép đều bắt đầu bằng việc “Biết là nguy hiểm nhưng cần tiền giúp cha mẹ ở quê xây nhà, trả nợ”.

Và đâu đó, những bài báo về làng tỉ phú với những ngôi nhà khang trang từ dòng tiền con cái đang trồng cần sa, làm nail, làm thợ may, đánh hàng… sống chui lủi ở xứ người. Thậm chí, có những làng toàn đàn ông khi những người vợ, người mẹ, những cô em gái được “xuất khẩu” sang Hàn Quốc, Đài Loan làm giúp việc chui, làm thợ may, làm móng, làm… vợ.

Tôi vẫn hay đùa bảo vợ mình rằng, sinh con ra, đầu tư học hành ăn uống suốt 18 năm đầu, mạnh dạn cho thêm 4 năm Đại học nữa mới là 22 năm. Nếu cha mẹ có con năm 24 tuổi thì đến năm 46 tuổi trở đi là bắt đầu thu lợi được rồi. Đẻ càng sớm thì thời gian thu lợi càng sớm.

Từ 46 tuổi, nếu tính 22 năm thì đến 68 tuổi là hoà vốn. Sau 68 tuổi là lãi ròng. Mà chăm 1 đứa trẻ khi bé so với chăm một ông già bà lão thất thập cổ lai hi thì rõ ràng chăm người già tốn kém hơn nhiều vì thuốc men các kiểu. Đấy là nói vui vậy thôi. Chứ nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ.

Tôi vẫn nghĩ về chữ Hiếu được viết bằng sự mãn nguyện vì con cái trưởng thành. Rằng chúng ta đã tạo nên một gắn kết bền vững.

Đừng nghĩ sinh con để mai này cậy nhờ rồi lại thở dài nếu sinh… con gái. Vì con gái lấy chồng dù muốn báo hiếu với cha mẹ nhưng chúng vẫn còn bố mẹ chồng của chúng.

Đừng khoác lên vai chúng thứ nghĩa vụ phải học hành để sau này kiếm ra nhiều tiền nuôi cha mẹ.

Đừng phủ lên đời chúng cái đích đến của chúng chỉ là sau này nuôi cha mẹ.

Chúng ta sinh ra những đứa con, hãy để chúng sống cuộc đời của chúng thay vì phải sống với ước mơ của chúng ta.

Với vợ chồng tôi, cuối cùng, con chăm cha không bằng bà chăm ông. Mai này, các con cứ việc sống với đời của các con, cha mẹ sẽ tự lo được cho đời mình. Nếu là hiếu nghĩa, thứ cha mẹ cần chỉ là được thấy mặt nhau hàng tuần, thấy nhau vui, khoẻ và hạnh phúc.

Thứ cha mẹ để lại cho con không phải là tài sản bao nhiêu mà là sự tự hào hãnh diện của con khi nói về cha mẹ chứ không phải con cái cố kiết sống giống sự tự hào của cha mẹ đã vẽ lên về con mình.

Bài viết cùng chủ đề: