Những tưởng nhờ em ruột đứng tên là an toàn nhưng tôi đâu có ngờ sau 3 năm, khi em trai tôi mất đi thì miếng đất của vợ chồng tôi cũng mất theo.
Vợ chồng tôi đều ở miền Trung, do điều kiện quê nghèo vất vả nên mới đi làm ăn xa tận Sài Gòn để kiếm tiền nuôi con. Năm 2015, tôi tích cóp được ít tiền và và quyết định xuống miền Tây mua một miếng đất trị giá 700 triệu để dành sau này về già sẽ xây nhà và sinh sống tại đây.
Tuy nhiên, do thủ tục giấy tờ phức tạp nên tôi quyết định nhờ em ruột của mình có hộ khẩu thường trú tại Sài Gòn đứng tên giùm trên sổ đỏ. Do tin tưởng em nên tôi gửi luôn sổ cho em giữ hộ để yên tâm làm ăn. Đến năm 2017, vợ chồng tôi tích cóp được khoảng 100 triệu và quyết định xây một căn nhà cấp 4 tạm bợ ngay trên mảnh đất đó và cho thuê kiếm lời, mỗi tháng 3 triệu đồng.
Tôi cứ nghĩ vợ chồng còn làm ăn tha hương nên tạm thời cứ để em trai đứng tên, vài năm nữa sang tên lại cho vợ chồng tôi cũng không muộn. Mọi chuyện cứ thế trôi đi cho đến một ngày, em tôi đột ngột qua đời sau một cơn tai biến. Lúc này vợ chồng tôi mới hoảng hốt vì miếng đất vẫn còn đứng tên em trai tôi, và mọi thủ tục xin cấp GPXD, điện, nước giấy tờ liên quan đến căn nhà xây tạm đều do em trai tôi đứng tên. Ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôi cũng để em trai giữ hộ.
Khi em trai mất, đợi tang lễ xong xuôi chồng tôi mới đem chuyện hỏi em dâu. Lúc này, vợ chồng tôi như bị rơi vào thế nắm dao đằng lưỡi, em dâu bắt đầu thay đổi thái độ hoàn toàn. Thay vì giúp chúng tôi tìm sổ đỏ thì em dâu vờ bận việc rồi lảng đi chuyện khác.
Một tháng sau, vợ chồng tôi tá hỏa khi cô em dâu quý hóa đột nhiên yêu cầu người thuê nhà chuyển tiền hàng tháng vào tài khoản của mình thay vì của vợ chồng tôi. Khi tôi tìm đến nhà để hỏi ngọn ngành thì em dâu tôi tỏ rõ thái độ bất hợp tác. Em dâu ngang nhiên lật lọng rằng: “Đất của chồng tôi đứng tên thì tôi có quyền lấy tiền thuê nhà”.
Biết rõ mảnh đất là của vợ chồng tôi nhờ em trai tôi đứng tên, ngay cả khi làm nhà em dâu tôi cũng thường xuyên lui tới căn nhà và nắm rõ mọi chuyện nhưng khi chồng mất, em dâu tôi một mực cho rằng vợ chồng tôi không hề nhờ em trai tôi đứng tên. Cô em dâu tráo trở quay qua mạt sát vợ chồng tôi là lợi dụng cơ hội em trai mất để âm mưu chiếm đoạt tài sản nên mới bịa ra chuyện như vậy. Và rằng tài sản đã đứng tên chồng mình thì mẹ con cô ta có quyền hưởng chứ không liên quan gì đến vợ chồng tôi.
Tôi lúc này mới ngớ người nhận ra sai lầm của mình là đã nhờ em trai đứng tên nhưng không hề có một loại giấy tờ nào chứng minh. Lúc đó vì tin tưởng nên tôi cũng không bảo em trai phải ký tên hay lưu lại chứng cứ nào. Lúc đi đóng tiền mua đất cũng là em trai tôi làm giúp.
Miếng đất sau 3 năm giờ đã lên giá hơn 1 tỷ, lòng tham nổi lên nên em dâu tôi quyết từ nhà nội và không trả lại dù với bất kể điều kiện gì. Bởi không có chứng cứ, giấy tờ lại rành rành nên dù có kiện tụng, vợ chồng tôi cũng không thể đòi lại được tài sản.
Mười mấy năm tha hương tích cóp nhưng cuối cùng chỉ vì bất cẩn khi nhờ em trai đứng tên mà vợ chồng tôi đành ngậm ngùi mất trắng bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Đúng là không có nỗi đau nào lớn hơn…
Tôi kể câu chuyện trên để cảnh tỉnh mọi người rằng tuyệt đối không nên nhờ anh em, bạn bè, họ hàng hay bất kể ai đứng tên giúp trên tài sản của mình. Khi nhờ người khác đứng tên, chúng ta sẽ không thể biết sau đó sẽ xảy ra những chuyện gì. Nếu xảy ra mâu thuẫn thì khó đòi lại hoặc không may người đó qua đời, theo Luật Thừa kế thì tài sản sẽ được chia lại cho vợ, chồng, bố mẹ, con cái của họ…
- Ông cụ 60 tuổi đi xe 5 tiếng, cầm 1,8 tỷ đồng tới giúp con trai mua nhà, nhưng vừa đến cửa lập tức quay về vì 1 câu nói của con dâu
- Ngắm Hà Nội năm 1990 lạ mà quen νới cây xanh rợp bóng, toát lên vẻ cổ kính νà gần gũi νới thiên nhiên
- Mua ô tô cũ nên chọn xe máy xăng hay xe máy dầu?
- Tòa nhà “mắc kẹt” giữa đại lộ cao tốc, chủ đầu tư phải chi 350 tỷ đồng để xây đường vòng quanh: Chỉ có vỏn vẹn 3 người ở nhưng không ai di dời
- Mua nhà chung cư ở tầng này dễ hối hận nhất: Ở không ưng, bán cũng ít ai hỏi, muốn tiết kiệm đến mấy cũng nên cân nhắc kỹ