Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện ở khu vực mật độ dân cư cao, không khí ô nhiễm, có điều kiện hạ tầng để áp dụng tiêu chuẩn cao hơn về phát thải giao thông.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.

Theo dự thảo, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Thành phố dự kiến 5 tiêu chí, cũng là 5 nhóm vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Thứ nhất là khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mật độ dân cư cao, có các khu vực/địa danh cần được bảo tồn, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa xã hội.

Thứ hai là khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông. Thứ ba là khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học.

Thứ tư là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện (có giải pháp giám sát, xử lý vi phạm về phát thải, chuyển đổi phương tiện, tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo giao thông thông suốt).

Cuối cùng là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Tắc đường gom đại lộ Thăng Long hồi đầu tháng 9. Ảnh: Danh Hữu

Tắc đường gom đại lộ Thăng Long hồi đầu tháng 9. Ảnh: Danh Hữu

Những khu vực được xác định vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí. Cụ thể Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

Thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ôtô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.

Về kinh tế, thành phố sẽ đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Monorail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).

Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.

5 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở Hà NộiNguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà NộiGiao thôngGiao thôngCông nghiệpCông nghiệpNông nghiệpNông nghiệpDân sinhDân sinhĐốt rác thảiĐốt rác thảiVnExpressCông nghiệp● Tỷ lệ: 22.2

UBND TP Hà Nội cho biết nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại thành phố giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm hơn 30%, một số ngày ở ngưỡng rất xấu.

Về nguồn gây ô nhiễm, thành phố chỉ ra 5 nguồn chính gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%, tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó ôtô gần 1,5 triệu xe. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ôtô khoảng 10%. Quy hoạch dành cho giao thông tĩnh 3-4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%.

Tương tự theo quy hoạch tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị ở Hà Nội chỉ đạt 12,13%, tức chỉ đạt một nửa so với quyết định của Chính phủ về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội (chỉ tiêu quy hoạch là 20-26% cho đô thị trung tâm).