Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
138 lượt xem

Những mô hình làm giàu lạ mà hay ở Bình Phước: Trồng ớt dưới tán cao su, trồng dưa lưới công nghệ cao

Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, nhiều nông dân Bình Phước đã phát triển kinh tế bằng các mô hình trồng cây ngắn ngày, như khổ qua, dưa leo, dưa lưới, bầu, bí, ớt…

Những mô hình trồng màu này có lợi thế là đầu tư ít vốn, nhanh cho thu hoạch và phù hợp với gia đình có quỹ đất ít.

Thu nhập khá từ trồng khổ qua

Do chỉ có 2 sào đất canh tác nên những năm gần đây, gia đình anh Lồ Văn Sầu ở khu phố Suối Cam, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã trồng khổ qua để phát triển kinh tế.

Anh Sầu cho biết: Quy trình trồng, chăm sóc khổ qua không khó. Nếu trồng vụ đầu tiên thì phải xới, dọn đất, đầu tư ban đầu về làm giàn sau đó có thể dùng được vài năm. Khổ qua trồng từ 38-40 ngày cho thu hoạch và thời gian thu liên tục từ 45-60 ngày.

Chăm bón tốt năng suất sẽ đạt từ 4-5 tấn/sào/vụ. Nhà vườn có thể tranh thủ trồng từ 2-3 vụ/năm. Sau mỗi vụ, nhà nông cần phơi đất, rắc vôi bột khử trùng, tạo thêm dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ rồi mới trồng tiếp vụ sau.

Thời điểm thu hoạch khổ qua, gia đình anh Sầu thu từ 150-200kg/ngày/2 sào, giá bán ổn định từ 12.000-13.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ khá dễ bởi sau khi hái xong, thương lái tới tận vườn thu mua.

“Khi thu hoạch, nhà vườn nên dùng kéo để cắt, trái còn cuống sẽ tươi, đẹp, để được lâu; tránh tình trạng dùng tay bẻ khiến trái bị giập, trầy xước, ảnh hưởng mẫu mã, giá bán bị giảm. Hơn nữa, khi bị giập, cây sẽ không phát triển phía ngọn và không cho trái nữa” – anh Sầu chia sẻ.

Mặc dù trồng khổ qua tương đối dễ nhưng loại cây này thường bị ruồi vàng phá hoại khiến trái không phát triển được. Để diệt ruồi vàng, nhà vườn có thể dùng thuốc sinh học hoặc rắc thính thơm đặt bẫy.

Ngoài ra, lá khổ qua cũng hay bị rầy xanh tấn công làm giảm sức đề kháng, sinh trưởng, ảnh hưởng tới năng suất. Khắc phục tình trạng này, hầu hết nhà vườn đều sử dụng thuốc sinh học, không gây hại sức khỏe con người và có bán rộng rãi ngoài thị trường.

Trồng ớt dưới tán cao su

Nhiều năm qua, gia đình anh Nguyễn Xuân Hoạt ở thôn 4, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng gắn bó với cây ớt sừng vàng châu Phi và ớt chỉ thiên, bởi có thể trồng quanh năm, năng suất cao và được thị trường rất ưa chuộng.

Anh Hoạt cho biết, gia đình không có đất nông nghiệp nên năm nào anh cũng thuê từ 1-2 ha đất của nông trường cao su để trồng. Vì chỉ trồng vào phần đất trống giữa 2 hàng cây cao su non nên tổng diện tích trồng ớt đông đặc chỉ vài sào.

Ớt có thể gieo hạt trực tiếp hoặc trồng bằng cây ươm trong bầu. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 105 ngày. Trồng ớt cũng đơn giản, vì ít sâu bệnh. Loại cây trồng này ưa bóng mát, đất ẩm nhưng tơi xốp, không bị úng nên cần đầu tư hệ thống ống phun mưa.

Trong điều kiện chăm sóc tốt, ớt có thể cho năng suất bình quân khoảng 2 tấn trái/sào. Tổng mức đầu tư trồng 1 sào ớt khoảng 20 triệu đồng, nhưng doanh thu của người trồng thường đạt gấp đôi.

Thời điểm khan hiếm, cả ớt chỉ thiên và ớt sừng vàng châu Phi có giá từ 90.000-120.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm giảm chỉ còn 40.000 đồng/kg.

“Ớt càng chín thì giá càng cao và ngược lại. Vì mình không làm chủ được thị trường, không có hợp đồng giá với thương lái hay doanh nghiệp từ ban đầu nên chỉ cần trái già, ngả màu vàng là hái. Tuy giảm giá so với ớt chín nhưng như vậy vẫn có lời. Sợ nhất là đợi đến thời điểm ớt chín đồng loạt mà giá xuống thấp thì có thể lỗ công hái” – anh Hoạt chia sẻ.

Trồng dưa lưới vốn lớn, lời cao

Mấy năm gần đây, mô hình trồng dưa lưới được nông dân nhiều nơi trong tỉnh đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đa số mô hình đều nhỏ lẻ và tự phát. Nguyên nhân là bởi kinh phí đầu tư ban đầu tương đối cao, nếu không có vốn, không liên kết, thiếu quyết tâm sẽ khó làm được.

Anh Cao Trọng Công ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng dưa lưới từ nhiều năm qua. Kết quả, bản lĩnh của người trẻ dám nghĩ, dám làm đã được đền đáp với thu nhập mỗi năm khoảng 600 triệu đồng/sào.

Dưa lưới cũng là loại cây trồng ngắn ngày, có thể trồng từ 2-3 vụ/năm. Anh Công cho biết: Để có nhà màng và hệ thống ống tưới chất lượng thì kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 250-300 triệu đồng/sào. Bình quân 1 sào trồng từ 2.800-3.000 cây. Mỗi cây chỉ để 1-2 trái và mỗi trái từ 1,3-1,5kg.

Sau 3 tháng trồng, dưa sẽ cho thu hoạch, sản lượng khoảng 9-10 tấn/sào. Tùy thời điểm, giá bán ngoài thị trường có thể dao động từ 35-40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lời từ 500-600 triệu đồng/sào.

Anh Công chia sẻ: “Ban đầu không có vốn, tôi sợ vay không trả được. Nhưng sau khi tính toán chi tiết từng khoản thu, chi và được sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng dưa. Quan trọng nhất là xây dựng nhà màng, giàn khung sắt phải cứng, đạt chuẩn cao, có độ bền hơn 10 năm. Nếu đầu tư lưng chừng thì nguy cơ gió lớn sẽ sập gây thiệt hại. Hệ thống ống tưới nhỏ giọt và dây treo cũng phải đạt chuẩn, khi đó mình chỉ lo làm kỹ thuật sao cho dưa đạt năng suất và không sâu bệnh”.

Ở xã Quang Minh và những xã lân cận cũng có vài hộ trồng dưa lưới, nhưng mô hình của anh Công được đánh giá đầu tư bài bản.

Ông Trần Quang Sắc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Minh, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện thị trường khan hiếm dưa lưới nên tới kỳ thu hoạch, thương lái tìm tới nông hộ mua tại vườn. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá bán tại vườn và ngoài thị trường rất cao, có thể gần gấp đôi tùy chỗ.

Bài viết cùng chủ đề: