Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1607 lượt xem

Ninh Bình: 10 năm làm nhà giáo, 2 vợ chồng quyết định nghỉ dạy về nuôi siêu thực vật không cần cho ăn, 20 ngày thu một lứa, bỏ túi hàng trăm triệu đồng

Từ khi bén duyên với tảo, vợ chồng anh Biên vừa dạy học vừa nuôi tảo.

Từng 10 năm làm giáo viên, nhưng cả hai vợ chồng quyết định nghỉ dạy và chuyển sang nuôi loài siêu thực vật rất mới lạ ở địa phương. Loài siêu thực vật này không cần cho ăn cứ 20 ngày thu hoạch một lứa bán tới 1,5 triệu đồng/kg đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Bỏ nghề sau 10 năm dạy học về nuôi tảo lạ kỳ

Loài siêu thực vật không cần cho ăn này chính là tảo xoắn Spirulina độc lạ. Ở Việt Nam những mô hình nuôi thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy khi 2 vợ chồng là anh Nguyễn Văn Biên (SN 1984) và chị Nguyễn Thị Dung (SN 1989) bỏ nghề giáo viên đi nuôi tảo độc lạ này nhiều người ngạc nhiên, giá đình thì hết sức phản đối.

Nhưng đã kiên định, anh Biên chị Dung vẫn quyết gác lại sự nghiệp “gõ đầu trẻ” đã gắn bó hơn chục năm để về nhà, quyết tâm làm giàu với loại tảo xoắn lạ kỳ.

Chị Dung kể bản thân học sư phạm, sau đó làm giáo viên dạy hóa. Còn chồng chị là thầy giáo toán. Hơn chục năm trước, sau khi ra trường, cả hai lên tận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên công tác ở một trường cấp 3.

Sau nhiều năm dạy học ở huyện miền núi của tỉnh biên giới xa xôi, năm 2016 hai vợ chồng anh chị được chuyển công tác về quê dạy học ở trường THCS Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Dù dặt hái nhiều được thành công, nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp trường, cấp thành phố, được tặng giấy khen, bằng khen và được nhiều học trò quý mến, đầu năm 2022, anh Biên xin nghỉ việc. Không lâu sau đó, tháng 9 cùng năm chị Dung cũng thôi dạy học trước sự ngỡ ngàng của Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp.

Cả hai anh chị xin nghỉ về nhà để làm kinh tế với mô hình nuôi tảo xoắn Spirulina độc lạ, cả tỉnh Ninh Bình chưa có ai nuôi. Ở Việt Nam cũng có rất ít mô hình này.

Đam mê loài siêu thực vật giá trị cao

Anh Biên cho biết, cả hai vợ chồng đều rất đam mê nghiên cứu hóa – sinh nên thường xuyên tìm tòi các mô hình để phát triển kinh tế. Nhờ cơ duyên, anh chị biết đến loại tảo xoắn Spirulina mà nhiều nước trên thế giới đang nuôi trồng, chế biến sản phẩm bán sang Việt Nam.

“Lúc đầu khi nghe đến tên loại tảo này, vợ chồng tôi đều thấy lạ lắm. Sau khi tìm hiểu kỹ mới biết, loài vi tảo này rất tốt. Tại sao Việt Nam không thể nuôi mà phải nhập khẩu từ nước ngoài về? Đặt câu hỏi đó xong tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết tâm nuôi bằng được loài tảo thần kỳ này”, anh Biên nói.

Năm 2017, đôi vợ chồng giáo viên toán – hóa mua giống tảo về, dùng các bể nhựa để nuôi với mục đích tạo ra sản phẩm tảo cho gia đình sử dụng. Càng nuôi, anh chị càng thấy loài tảo xoắn Spirulina có tiềm năng rất cao để phát triển kinh tế.

Từ khi bén duyên với tảo, vợ chồng anh Biên vừa dạy học vừa nuôi tảo. Trong 3 năm đầu, anh chị chỉ làm với quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ người thân và bạn bè. Từ năm 2020, anh chị đã quyết định thành lập hợp tác xã với mong muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa mô hình nuôi tảo để làm giàu.

Vay mượn được số tiền hơn 1 tỷ đồng, vợ chồng anh Biên thuê đất, đầu tư xây dựng nhà xưởng với quy mô lớn. Các trang thiết bị máy móc hiện đại, bể nước lắp đặt trong nhà lưới đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho tảo sinh sống.

Siêu thực vật không cần cho ăn 20 ngày thu một lứa

Chị Dung chia sẻ: “Hệ thống nhà kính – lưới, bể bạt an toàn có thể điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ tự động; hệ thống sục khí, máy lọc nước sạch RO, máy thu hoạch tảo và máy sấy lạnh để chế biến tảo… được vợ chồng tôi đầu tư đạt chuẩn. Vì thế việc nuôi trồng thuận lợi hơn nhiều so với giai đoạn làm tạm bợ”.

Tiết lộ bí quyết nuôi tảo xoắn, chị Dung tâm sự: “Nuôi tảo không phải cho ăn thức ăn gì vì đó là loài tự dưỡng. Chỉ cần nguồn nước đảm bảo, ánh sáng nhiệt độ phù hợp, khoảng 20 ngày, độ dài của tảo đạt chuẩn là có thể thu hoạch được”.

Anh Biên chia sẻ thêm, tất cả các công đoạn nuôi tảo xoắn đều được tự động hóa hết nên rất nhàn. Tuy nhiên, không phải ai nuôi tảo cũng thành công.

Ông chủ hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao tiết lộ, mỗi lứa tảo gia đình anh nuôi khoảng 20 ngày. Hiện có 40 bể nuôi, mỗi bể 10m3 thu hoạch được khoảng 20kg tảo tươi/lần.

Mỗi lứa, thu từ các bể cũng được hàng trăm kg tảo tươi. Với giá bán hiện nay hơn 1,5 triệu đồng, trừ hết chi phí gia đình anh chị cũng có thể bỏ túi cả trăm triệu đồng tiền lãi.

Ngoài cung ứng ra thị trường tảo Spirulina tươi, vợ chồng anh Biên hiện đang chế biến nhiều sản phẩm từ loại vi tảo này như: Tảo tươi, tảo khô ép viên… Trong đó, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Ninh Bình là tảo xoắn Spirulina tươi và tảo xoắn Spirulina nguyên chất.

Cơ sở nuôi tảo, sản xuất các sản phẩm từ tảo của vợ chồng anh Biên hiện đang tạo việc làm cho khoảng chục lao động địa phương với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Được biết, vợ chồng anh chị đã bắt đầu chuyển giao công nghệ nuôi tảo để nhiều người có thể học tập, phát triển kinh tế.

Siêu thực vật được coi là “thực phẩm vàng”

Tảo xoắn (tên khoa học là spirulina) do tiến sĩ Clement người Pháp phát hiện vào năm 1960 trong một chuyến đi đến hồ Tchad ở Trung Phi. Tảo xoắn sinh trưởng tự nhiên chủ yếu trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Ngoài môi trường nước mặn, chúng cũng có thể sống trong môi trường nước ngọt.

Bên cạnh thành phần chủ yếu là đạm thực vật, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tảo xoắn còn chứa nhiều vitamin E và các khoáng chất, không chứa đường, chất béo nên được xem là thực phẩm tối ưu giúp chống ôxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh khác.

“Đặc biệt, tảo xoắn có thể cung cấp tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể. Ví dụ, khi mình ăn rau, có loại rau bổ sung sắt, có rau bổ sung canxi, nhưng tảo lại bổ sung đồng thời tất cả các khoáng chất như sắt, canxi, kẽm… Cơ thể mình cần tới 18 axít amin, trong đó có 9 loại không thể tổng hợp được phải lấy từ bên ngoài nhưng với những cây trồng khác thì chỉ lấy được 1-2 loại axít amin, còn tảo xoắn lại có đồng thời cả 9 loại axít amin mà cơ thể không thể tổng hợp được” – chị Nguyễn Thị Dung khẳng định.

Từ việc nuôi trồng thành công loại “thực phẩm vàng” này, gia đình anh Biên – chị Dung đã xây dựng đề án “Ứng dụng khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến tảo xoắn spirulina tại TP Tam Điệp”; được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình phê duyệt, công nhận là sáng kiến cấp tỉnh.

Với đề án này, HTX Tảo Việt sẽ xây dựng khu nhân giống, nuôi trồng và thu hoạch theo công nghệ nhân giống cấp 2; hoàn thiện dây chuyền đóng gói sản phẩm thương phẩm dạng bột khô, ép viên và đóng gói sản phẩm tươi theo công nghệ tự động hóa.

Ngoài 1.400 m2 đang có, gia đình anh Biên – chị Dung đang tiếp tục đầu tư một khu nuôi trồng mới, quy mô 20.000 m2.

“Giá trị của tảo xoắn mang lại cho sức khỏe con người không phải bàn cãi nhưng với nhiều người Việt, sản phẩm này vẫn đang còn mới lạ, trong khi nhiều sản phẩm của tảo xoắn nhập từ nước ngoài về giá cao, thậm chí có nhiều sản phẩm còn bị làm giả. Bởi thế, vợ chồng tôi quyết tâm mở rộng quy mô, cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất phục vụ người tiêu dùng Việt với giá thành hợp lý nhất” – anh Biên mong muốn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, việc ứng dụng thành công dự án sản xuất, chế biến tảo xoắn tại TP Tam Điệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, đặc trưng và có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tảo xoắn với các địa phương trong cả nước; đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho chính người dân địa phương./.

Bài viết cùng chủ đề: