Hấp dẫn từ giá sầu riêng đang tốt và thị trường tiêu thụ đầy triển vọng, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều nông dân ở “rốn phèn” Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) chặt bỏ vườn mít Thái đang thu hoạch chuyển sang trồng sầu riêng.
Để cụ thể hóa khát vọng trồng sầu riêng, 4 tháng trước ông Nguyễn Văn Cường (xã Tập Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) đã xuống giống sầu riêng xen vườn mít Thái.
Dọn sạch mít Thái trồng sầu riêng
Giờ ông Cường gần như dọn sạch vườn mít Thái 300 gốc, rộng 1,2ha, ăn được mấy vụ khi những gốc sầu riêng 4 tháng tuổi đã cứng cáp trước mưa nắng.Nhìn những cây mít Thái bị phạt ngang thân, ngã rạp, niềm hy vọng đổi đời của gia đình ông Cường những năm trước, mới thấy trồng cây gì, nuôi con gì ở Việt Nam rất phập phù.
Theo ông Cường, vườn mít Thái này khi sung sức đã cho ông trăm triệu tiền lời mỗi năm. Tuy nhiên, thời hoàng kim của mít thái đã qua, giờ là lúc trái sầu riêng lên ngôi nên ông dọn sạch vườn mít đeo trồng sầu riêng.
Cũng trên địa bàn, thấy bà con nháo nhào bỏ mít trồng sầu riêng, anh Nguyễn Văn Phương bắt chước làm theo. Hiện, anh Phương trồng 300 gốc sầu riêng xen trong vườn mít thái. Anh dự định, khi cây sầu riêng đủ lớn, anh sẽ hạ mít thái để chuyên canh sầu riêng.
“Mấy năm nay tôi trồng mít thái. Nhưng giờ thấy cây sầu riêng cho lợi nhuận cao nên trồng”, anh Phương thổ lộ.
Theo nhiều bà con trồng sầu riêng ở Đồng Tháp Mười, cây sầu riêng là “cây nhà giàu” bởi đầu tư khá nặng vốn. Nghe đâu, mất 1 – 1,2 tỷ đồng mới đủ đầu tư cho 1ha sầu riêng. Và sầu riêng phải trồng mất 5 – 7 năm mới cho ăn trái.
Về kỹ thuật trồng sầu riêng, ông Trần Văn Chính (xã Tân Lập), nông dân trồng sầu riêng cho biết, Đồng Tháp Mười là vùng đất phèn, thấp nên phải thiết kế mô cao và rộng trước khi xuống giống sầu riêng. Trung bình, mỗi cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch chi phí đầu tư khoảng 5- 6 triệu đồng/cây.
“Quan trọng là phải nắm vững kỹ thuật trồng sầu riêng và phải theo dõi diễn biến quá tình sinh trưởng để bổ sung nguồn dinh dưỡng, cũng như chủ động phòng trị bệnh kịp thời để cây sầu riêng đạt năng suất và chất lượng”, ông Chính chia sẻ.
Cũng theo ông Chính, sầu riêng trồng ở “rốn phèn” Đồng Tháp Mười cho năng suất tốt, trái đạt chất lượng thơm, ngon không thua kém các vùng chuyên canh sầu riêng khác.
Tỉnh táo khi trồng sầu riêng
Huyện Tân Thạnh là địa phương trồng mít Thái nhiều nhất tỉnh Long An, và hiện nay cũng là địa phương trồng sầu riêng nhiều nhất tỉnh. Hiện, tỉnh Long An có khoảng 300ha trồng sầu riêng, thì riêng huyện Tân Thạnh đã chiếm gần 2/3.
Theo tính toán, lợi nhuận trồng sầu riêng 500 – 700 triệu đồng/ha/năm. Chính vì thế, dẫu biết trồng sầu riêng rất tốn kém và lâu ăn nhưng nhiều nông dân vẫn quyết bỏ mít theo sầu riêng.
Một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Long An xác nhận, hiện trên địa bàn đang diễn ra việc nông dân bỏ mít trồng sầu riêng. Nguyên nhân là do giá mít khá thấp kéo dài, hấp lực giá sầu riêng đang khá tốt, thị trường mở rộng…
Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, việc trồng sầu riêng ở “rốn phèn” khi chưa trang bị kỹ thuật tốt khiến không ít nông dân nhận thất bại cay đắng. Một số vườn sầu riêng chết cây do để úng rễ. Một số vườn sầu riêng khác thì cho trái méo mó, chất lượng không đạt…
Vị lãnh đạo này thổ lộ, Hội Nông dân các cấp đang đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật trồng sầu riêng cho nông dân để hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Vừa qua, Hiệp hội Rau, quả Việt Nam khuyến cáo, dù đã được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chính ngạch và xuất không có hạn ngạch nhưng điều kiện phải được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Việc đăng ký mã số mất khá nhiều thời gian và cây sầu riêng cần đến 8 năm để cho trái ổn định, nên nông dân cần tính toán phương án sản xuất, tiêu thụ.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Long An cho biết, Long An có 2 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 25ha tại xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh) được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.