Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
162 lượt xem

Nữ nông dân Việt Nam xuất sắc – Những “bông hồng” quyền lực, có người là tỷ phú nuôi tôm, đưa xoài đi xuất khẩu

Trong số 698 Nông dân Việt Nam xuất sắc được vinh danh trong chặng đường 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, có 110 đại biểu là nữ. Những nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc đã góp thêm những sắc màu rực rỡ, dịu dàng và đầy bản lĩnh cho hình ảnh người phụ nữ và người nông dân Việt Nam.

Nghị lực phi thường của nữ tỷ phú nông dân một tay ở Nam Định

Về xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường (Nam Định) hỏi thăm “bà trùm” Nông dân Việt Nam xuất sắc Mai Thị Nhung (SN 1966), ai cũng biết. Không may mất đi 1 cánh tay nhưng bằng nghị lực phi thường, chị Nhung đã vượt khó, vươn lên thành tỷ phú.

Nhiều người không khỏi khâm phục trước nghị lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé này. Lấy chồng năm 18 tuổi thì đúng 4 tháng sau ngày cưới, chị Nhung gặp tai nạn lao động khi làm máy xát thóc. Ngay sau khi tỉnh dậy, chị Nhung sốc nặng khi thấy mình bị cắt mất già nửa cánh tay trái. “Người xưa bảo, giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay, nhưng mình không thể chôn chân phó mặc số phận”- chị Nhung tâm sự.

Vốn sinh ra ở làng nghề cơ khí, năm 1990 chị bàn với chồng chuyển sang buôn bán và sản xuất đồ cơ khí. Khởi đầu vô cùng gian nan, nhưng anh chị vẫn bền bỉ từng bước vượt qua. Đến năm 2005, từ xưởng sản xuất nhỏ, anh chị tiến lên thành lập công ty.

Năm 2014, thấy nông dân bỏ hoang ruộng nhiều, chị Nhung bèn bàn với chồng thuê lại 120 mẫu đất để trồng lúa, làm trang trại VAC. Mô hình của chị áp dụng mô hình cơ giới hóa vào sản xuất. Tính đến nay, chị Nhung đã đầu tư cả chục tỷ đồng vào nông nghiệp.

“Với số ruộng thuê, tôi dành ra hơn 100 mẫu cấy lúa, 3 mẫu trồng cây dược liệu và 2 mẫu đào ao thả cá, nuôi vịt”- chị Nhung nói. Ngay sau khi thuê xong, vợ chồng chị áp dụng mô hình cơ giới hóa vào sản xuất.

Đến bây giờ chỉ cần nhìn qua bất kỳ sản phẩm cơ khí nào, chị Nhung đều biết cái gì còn thiếu, cái gì thừa, cái nào chưa làm đúng chuẩn. Hiện công ty của chị đang sản xuất các thiết bị máy móc chế biến gỗ, máy phục vụ nông nghiệp và ngành xây dựng. Với phương châm “Lấy chữ tín làm đầu, đi vào chất lượng cao, mẫu mã đẹp”, các sản phẩm cơ khí của công ty ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng.

Hiện nay, công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc do vợ chồng chị Nhung làm chủ nằm ngay cạnh đường 32.

Nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc biến bãi hoang thành trại tôm tiền tỷ

Câu chuyện của nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Thị Dịu đến từ TP Móng Cái, Quảng Ninh cũng gây xúc động mạnh với mọi người. Chồng mất sớm, chị Dịu một nách nuôi 4 đứa con dại. Không cam chịu đói nghèo, năm 1994, chị Dịu dắt 4 người con thơ dại ra Mũi Sủi – khu đầm đầy sình lầy và cây dại để lập nghiệp.

Ngày ấy, ai cũng bảo sức đàn ông trai tráng nhiều người còn không dám, đằng này chị Dịu lại là phận nữ nhi, một nách nuôi 4 đứa con dại. Bằng sự nỗ lực không ngừng, đến nay chị Dịu đã biến khu đầm lầy đầy cỏ dại thành trang trại nuôi thuỷ sản rộng 34ha được đầu tư hiện đại và bài bản với những ô nuôi tôm được bê tông hóa nối dài, xa tắp. Hiện nay, năng suất mỗi ha tôm của chị Dịu ổn định, đạt trên 15 tấn/vụ, 30 tấn/năm; doanh thu đạt 8 tỷ/năm, lợi nhuận 3 tỷ/năm tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Nữ thủ lĩnh người Chăm kéo dân làng cùng làm giàu

Câu chuyện về “nữ thủ lĩnh” người Chăm Châu Thị Xéo, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế ở xã Phước Hải, huyện Ninh Phướcđã dẫn dắt và hướng dẫn dân làng mang màu xanh phủ kín đồi cát trắng, vươn lên làm giàu…

Chị Châu Thị Xéo tâm sự: Là phụ nữ dân tộc Chăm, sinh ra và lớn lên tại vùng đất cát Thành Tín nghèo khó, khí hậu khô nóng quanh năm, chị rất thấu hiểu sự lam lũ, vất vả của người dân, đời sống khó khăn khiến nhiều phụ nữ phải rời quê hương đi làm ăn xa. Từ những trăn trở đó, chị nỗ lực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất thích ứng với khô hạn. Chị nhận thấy tiềm năng đất đai ở địa phương có thể trồng được cây măng tây xanh để phát triển kinh tế gia đình, giúp bà con thoát nghèo trên vùng “đất chết”.

Cuối năm 2016, chị Xéo tiên phong cải tạo vùng đất bán sa mạc của gia đình đầu tư trồng thử nghiệm 1 sào (sào Nam Bộ có diện tích 1.000 m2) cây măng tây xanh. Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây măng tây xanh phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chị Xéo mở rộng lên 5 sào trồng măng tây xanh, mỗi tháng cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Từ thành công của gia đình, chị Xéo đi từng hộ vận động bà con liên kết sản xuất măng tây xanh để phát triển kinh tế. Chị Xéo bộc bạch: “Tôi thấy người phụ nữ có việc làm, có thu nhập ổn định, vai trò, vị trí của họ trong gia đình và xã hội được quan tâm, tôn trọng hơn. Tôi trao đổi, đề xuất với UBND xã Phước Hải thành lập Hợp tác xã trồng măng tây để giúp cho người dân, đặc biệt là phụ nữ Chăm có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, từ 37 thành viên ban đầu đến nay hợp tác xã thu hút 83 thành viên, trong đó 63 thành viên nữ cùng liên kết sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 20 ha. Doanh thu của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế vẫn ở mức gần 10 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.

Giám đốc HTX Châu Thị Xéo cũng đã chủ động phối hợp liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương trong việc trồng và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra cho xã viên và nhiều nông hộ lân cận.

Từ đó, nhiều gia đình xã viên người Chăm làng trên xóm dưới từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hộ nghèo đã không còn nghèo như thời điểm trước đó. HTX Châu Rế hiện nay không còn xã viên thuộc diện hộ nghèo.

Nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Đồng Tháp đưa xoài đi xuất khẩu

Chị Đinh Kim Nhung (SN 1971) ở ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là người đưa trái xoài xứ sen hồng xuất ngoại. Từ người chỉ biết làm vườn, chị Nhung đã hình thành nhiều điểm thu mua trái xoài, rồi thành lập công ty, xây dựng nhà máy chế biến đưa xoài Cát Chu, xoài tượng da xanh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Sau khi về làm dâu ở xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng được cha mẹ chồng cho 1,2ha đất trồng xoài Cát Chu.

Nhận thấy thu nhập từ việc trồng xoài Cát Chu không nhiều, năm 2000, chị đã mở một điểm thu mua xoài Cát Chu và xoài tượng da xanh (thổ nhưỡng địa phương thích hợp trồng 2 loại xoài này).

Nhờ chăm chỉ làm việc và hỗ trợ từ phía gia đình, năm 2003, chị Nhung mạnh dạn mở rộng quy mô thu mua xoài. Cụ thể, chị mở thêm 3 điểm thu mua xoài ở tỉnh Đồng Tháp (khóm 1, phường 11, TP. Cao Lãnh; xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh; xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò) và 1 điểm thu mua ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Nhận thấy xoài của Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, thay vì mua xoài bán lại cho doanh nghiệp, thừa thắng xông lên, năm 2016, chị Nhung thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Kim Nhung Đồng Tháp với mục đích trực tiếp đưa trái xoài xuất ngoại và giúp người trồng xoài ở địa phương có nơi tiêu thụ ổn định.

Theo chị Nhung, trong 2 năm (năm 2017 và 2018), chị xuất khẩu ra nước ngoài từ 400-500 tấn xoài và xuất khẩu sang Trung Quốc cùng thị trường nội địa từ 7.000-10.000 tấn/năm. Đây là lượng xoài mà chị mua từ 10 hợp tác xã, hội quán nông dân ở tỉnh Đồng Tháp với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Đỉnh điểm là năm 2019 và năm 2020, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp bán ra thị trường các nước khoảng 10.000 tấn xoài/năm.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, do dịch Covid-19, chiến tranh ở nước ngoài, chính sách Zero Covid của Trung Quốc nên việc xuất khẩu xoài Cát Chu và xoài tượng da xanh gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, chị Nhung vẫn cố gắng, nỗ lực thu mua và xuất khẩu hàng nghìn tấn xoài/năm ra thị trường nước ngoài thông qua nhiều đầu mối khác nhau.

Hiện nay, chị Nhung đang xây dựng nhà máy chế biến xoài ở xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Theo thiết kế, nhà máy chế biến xoài này có công suất 100 tấn/ngày. Đối với những trái xoài được thu mua từ người dân Đồng Tháp không xuất khẩu bằng trái tươi được thì sẽ được đưa vào nhà máy này để chế biến, đưa đi xuất khẩu sau đó.

“Xoài tươi đi xuất khẩu rất khó do phải đáp ứng nhiều tiêu chí, nhất là thị trường khó tính. Nếu đem về bán lại trong nước thì giá rất rẻ. Do đó, tôi xây dựng nhà máy này để cắt miếng cấp đông (bảo quản được 2 năm) và sấy khô (bảo quản được 1 năm). Những sản phẩm này dễ đưa đi xuất khẩu và bán được giá cao” – chị Nhung phân tích.

Bài viết cùng chủ đề: