Cả đời tôi không có gì ngoài người thằng con chịu thương, chịu khó này.

Nước mắt cuối năm của bà mẹ già

Hơn 10 ngày qua, bà Bùi Thị Phí (66 tuổi, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) luôn tựa mình vào trước khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Đôi mắt già nua, khắc khổ nhìn về hướng con trai đang thoi thóp đấu tranh với thương tật vì tai nạn giao thông.

Bà cắn chặt môi, không dám khóc nhưng nghẹn ngào theo từng hơi thở nặng nề, đứt quãng của con trai mình, anh Bùi Đức Công (26 tuổi) bị ô tô tông phải khi anh dừng lại dọn hiện trường vụ tai nạn trước đó để người đi đường không va vào. Lo sợ người khác gặp nạn, anh Công không ngờ, chính anh mới gian nan chống chọi với “thần chết”.

Nhớ về người con trai tội nghiệp, bà Phí không ngăn nổi những giọt nước mắt xót xa. Bà Phí vốn nghèo, ít học nên không dám yêu ai, đến năm bà 40 tuổi, khao khát có đứa con để nương tựa tuổi già, bà lấy hết can đảm “xin” người đàn ông bên đường một đứa con.

Vì vậy, anh Công lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của cha, phải nghe người ta dè bỉu mẹ, không ít lần anh trốn trong góc nhà vì bạn bè trêu chọc anh là con hoang. Nhưng không vì những điều đó mà anh oán hận mẹ, bị trêu ghẹo bao nhiêu, anh càng thương mẹ bấy nhiêu.

Lên 8 tuổi, Công đã ý thức được cái nghèo, bệnh tật của mẹ, một buổi đi học, buổi còn lại Công chạy ra chợ xách nước, rửa cá cho người ta để kiếm tiền phụ mẹ. Người ngoài chợ thương anh bởi anh không đòi hỏi, họ cho tiền cũng được, cho rau cũng được, hay cho vài ba con cá anh cũng vui mừng. Cứ như thế, hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau, căn nhà xiêu vẹo theo từng cơn gió lớn không khiến họ phiền lòng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Công liền về quê xin dạy thể dục cho một trường tiểu học. Tuy nhiên, lương hợp đồng chỉ 2 triệu một tháng không đủ để thuốc thang cho mẹ già và trả tiền vay đóng học phí trước đó. Công nuốt nước mắt từ bỏ ước mơ thầy giáo, đi tìm một công việc đỡ bấp bênh hơn.

“Tôi chưa từng thấy con trai mình khóc, ngay cả khi nó bị bạn bè ức hiếp. Thế nhưng hôm đó, nó nắm chặt tay tôi, nước mắt lưng tròng để xin tôi cho nó đi làm thuê kiếm sống. Thấy con như vậy, tôi không biết nói gì, chỉ im lặng, đau lắm, nó thích làm thầy giáo lắm”, bà Phí nấc nghẹn.

Theo bà Phí, anh Công chỉ mới chuyển qua công việc làm nhôm kính được vài tháng thì xảy ra chuyện. Tai nạn đến với anh quá bất ngờ khiến bà Phí không dám tin đứa con trai ngày nào còn giành làm việc nhà, giành làm thuê, làm mướn với mẹ giờ nằm bất động không biết gì.

Đừng nha con, nếu mất con, mẹ trắng tay rồi

Bà Phí kể lại, khoảng 20 giờ ngày ngày 22/12, trên đường đi làm về, chỉ còn cách nhà vài cây số, anh Công và bạn mình suýt va trúng chiếc xe máy bị tai nạn đang nằm giữa đường vì một tai nạn giao thông trước đó.

Tuy đã tránh được nhưng anh Công nghĩ đoạn đường này không có đèn, xe máy lại nằm giữa đường, những người điều khiển giao thông sau mình có thể tông phải chiếc xe máy này. Anh nói với bạn ngừng lại để dời chiếc xe vào lề đường. Trong lúc dọn hiện trường, bất ngờ anh Công bị một chiếc ô tô 5 chỗ, màu đỏ đi tới tông trúng. Sau khi gây tai nạn, chiếc ô tô này bỏ chạy.

Anh Công được bạn bè đưa vào một bệnh viện tại tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng, sáng hôm sau anh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Chuyên khoa II, Cao Thị Hồng, Phó khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, anh Công nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không phản xạ, phải thở máy, dập não thái dương đính trái, máu tụ ngoài màn cứng trán phải, bể sọ hở phần trán phải.

Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật xử lý lấy máu tụ ở màn cứng, làm sạch vết thương trán phải cho anh Công. Hơn 10 ngày điều trị, theo dõi, anh có dấu hiệu khá hơn, đang tập cai thở máy. Tuy anh vẫn còn phải được cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, nhưng khi bác sĩ kiểm tra phản xạ, anh Công nhận biết được kích thích đau, biết người khác gọi mình và mở hờ mắt.

Bác sĩ Hồng cho biết: “Bệnh nhân rất ý chí trong việc đấu tranh với chấn thương, các chức năng nội tạng vẫn còn tốt. Tuy giai đoạn này tiên lượng bệnh rất nặng, cần hồi sức lâu dài nhưng với những dấu hiệu có được, bệnh nhân vẫn còn hy vọng sống.

Nếu anh Công có thể hồi phục tốt như bây giờ, vài ngày nữa sẽ được cai máy thở, hỗ trợ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu về vận động cơ, khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, nhà lại khó khăn nên rất nặng nề về chi phí”.

Tính tới hôm nay (ngày 4/1/2018) tiền viện phí của anh Công đã hơn 80 triệu đồng. Bà Phí đã vay mượn khắp nơi, bán hết những vật dụng có giá trị trong nhà cũng chỉ có thể chi trả được gần một nửa. Nghe thông báo, thời gian tới, việc điều trị cho anh Công hiện tại mỗi ngày phải tiêu tốn từ 5 đến 10 triệu đồng, gương mặt bà Phí trở nên méo mó, bà bật khóc xin bác sĩ cứu lấy con mình.

Anh Trần Trung Thành, bạn thân của anh Công, người luôn bên cạnh bà Phí trong những ngày khó khăn này cho biết hội đồng hương, hội cựu sinh viên cũng đang huy động hỗ trợ cho anh Công nhưng đến nay chỉ mới được 6 triệu đồng.

“Công rất tội nghiệp, từ lúc còn đi học nó đã làm bồi bàn, làm bốc vác,… rảnh rỗi lúc nào là xin làm việc lúc đó vì nó thích học lắm. Nhưng dù có bận rộn đến thế nào, cuối tuần nó cũng về nhà với mẹ.

Những ngày qua bác Phí rất tội nghiệp, bác ăn không nổi cơm cũng không dám uống nước để tiết kiệm chi phí. 10 ngày qua, không lúc nào bác ngưng khóc, cứ lặng lẽ nhìn về chỗ Công rồi rơi nước mắt. Mong rằng em ấy sẽ qua cơn nguy kịch để về với mẹ của mình. Bác ấy chỉ có một mình nó”, anh Thành xót xa.

Bà Phí đau đớn: “Cả đời tôi không có gì ngoài người thằng con chịu thương, chịu khó này. Sáng đi làm, khuya nó đã thức dậy nấu cơm cho mẹ. Tôi xót con, nhiều lần dậy sớm hơn làm việc, để nó ngủ thêm chút nữa. Những lần đó nó đều la tôi, nó nói mẹ già rồi, đừng làm việc nặng nhọc. Vậy mà,… đừng nha con, nếu mất con, mẹ trắng tay rồi”.

Người mẹ nghèo đã vượt qua định kiến chỉ mong mỏi có một đứa con, người con trai không sợ sự trêu ghẹo của bạn bè, luôn phấn đấu không mệt mỏi vì mẹ. Hai mẹ con họ, trải qua tất cả sóng gió cuộc đời để có chuỗi ngày êm đềm bên nhau. Hôm nay, họ lại cùng nhau cố gắng chiến đấu vì tai nạn bất ngờ. Anh Công đang từng phút phấn đấu để về với mẹ, bà Phí luôn hy vọng có phép màu từ lòng hảo tâm của bạn đọc.

Mong rằng độc giả cùng chung tay để giữ lại “tài sản” duy nhất cho bà mẹ nghèo khổ này. Mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung “Giúp Bùi Đức Công, TNGT, tỉnh Đăk Lăk”.

Bạn đọc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3, hoặc Phòng CTXH bệnh viện Chợ Rẫy, số 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, TP. Hồ Chí Minh.