Những vùng nuôi tôm mật độ cao ở Trà Vinh đã được người dân lựa chọn nuôi cua biển. Hình thức nuôi xem này đem lại lợi ích kép, gia tăng lợi nhuận. Năm nay cua biển giá cao, người dân thu lãi 200 triệu/ha. Hiện nay, người nuôi cua còn ứng dụng kho học công nghệ tạo ra những sản phẩm cua chất lượng cao để không phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Cua biển sốt giá lãi 200 triệu đồng/ha
Năm 2022, nông dân ở các huyện ven biển Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh thả nuôi hơn 131 triệu con cua biển giống, trên diện tích hơn 23.270 ha mặt nước ao hồ, tăng hơn 1.000 ha so năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay, nông dân trong tỉnh Trà Vinh tăng diện tích nuôi cua biển là nhờ sự thuận lợi về môi trường nước. Ngay từ tháng đầu năm 2022, nước mặn trên các nhánh sông đã xuất hiện với độ mặn thích hợp nên nông dân tranh thủ thả cua giống nuôi sớm để kịp thời gian nuôi thêm từ 1 – 2 vụ cua biển trong năm hoặc thả nuôi thêm một vụ tôm thẻ chân trắng từ tháng 8 – 9 để thu hoạch tôm vào cuối năm 2022.
Cùng với đó, trong năm có nhiều hộ nông dân vùng ven biển không có đủ diện tích đất bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang chuyên nuôi cua biển 2 – 3 vụ trong năm hoặc 2 vụ cua biển – 1 vụ tôm thẻ chân trắng để tránh rủi ro, vừa đảm bảo về nguồn thu nhập. Ước tính tổng sản lượng cua biển nuôi thu hoạch năm 2022 đạt khoảng 6.667 tấn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, hộ chuyên nuôi cua biển, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, năm nay nhu cầu thị trường về cua biển thương phẩm tăng mạnh, nhờ đó giá cua luôn ổn định ở mức cao. Bình quân, giá cua biển trong năm được các đại lý thu mua loại cua biển 2 – 3 con/kg từ 250.000 – 270.000 đồng/kg; cua gạch có giá 300.000 – 350.000 đồng/kg; cua loại 4 – 5 con/kg dao động mức giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Giá cua này, nông dân nuôi 2 vụ cua biển thu lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng nếu nuôi 3 vụ trong năm.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân không đủ điều kiện nuôi tôm sú, tôm thẻ an toàn nên chuyển sang nuôi con khác; trong đó có cua biển. Cua biển là loài dễ nuôi, chi phí thấp, rất ít gặp rủi ro về dịch bệnh so với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nuôi cua biển nông dân chủ động được việc thu hoạch. Người nuôi dễ dàng neo ao cua chờ giá và thu hoạch tỉa thưa dần, chọn cua lớn để bán giá cao đảm bảo được lợi nhuận.
Nâng tầm giá trị cua biển để rộng cửa tiêu thụ
Để nghề nuôi biển trong tỉnh phát triển bền vững, nông dân nuôi cua đảm bảo được lợi nhuận, UBND tỉnh Trà Vinh vừa có quyết định đầu tư hơn 600 triệu đồng giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho sản phẩm cua biển của tỉnh.
Hàng năm, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 17.000 lượt hộ thả nuôi khoảng 125,286 triệu con giống, với diện tích gần 22.000ha và đạt sản lượng 6.667 tấn. Các hộ nuôi cua biển hiện chủ yếu ở hình thức xen canh và thu hoạch bắt tỉa. Nguồn tiêu thụ chủ yếu cung ứng cua thịt, cua gạch cho các thương lái xuất sang Trung Quốc và các nhà hàng, trung tâm chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh… Từ đó, đầu ra của con cua biển luôn bị động về thị trường, giá trị mang lại chưa cao.
Trong thời gian qua, người dân nuôi cua biển trong tỉnh còn phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, thị trường bấp bênh… Việc triển khai thực hiện mô hình nuôi cua lột theo hướng liên kết với nông dân để tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đang được Công ty Cổ phẩn Vinacrab (doanh nghiệp khoa học công nghệ ở tỉnh Phú Yên) triển khai cho nông dân thị xã Duyên Hải. Đây sẽ là hướng mở ra với kỳ vọng góp phần nâng cao giá trị của con cua biển, tạo an tâm trong sản xuất của người dân vùng ven biển…
Ông Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: với mô hình nuôi cua mật độ cao, phục vụ sản xuất cua lột, đây là một tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi cua biển, nhất là tăng sản lượng và giá trị con cua biển thông qua cung cấp nguyên liệu sản xuất cua lột cho Nhà máy Vinacrab đóng trên địa bàn thị xã Duyên Hải.
Nông dân Phan Văn Tuấn Em (ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải) cho biết: Gia đình trước đây chuyên nuôi tôm, năm 2021 chuyển sang nuôi cua biển với doanh nghiệp theo hình thức liên kết. Với 10.000 con cua giống được thả nuôi, sau khi trừ chi phí còn lời hơn 10 triệu đồng, thời gian 02 tháng. Tiếp tục vụ nuôi cua biển vụ năm 2022, gia đình thả nuôi 20.000 con cua biển giống, giá được Công ty Cổ phẩn Vinacrab hợp đồng bao tiêu là 180.000 đồng/kg (loại 16 – 18 con/kg).
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Vinacrab cho biết: Công ty đã nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ tự nhiên cho cua lột hàng loạt, tạo nên sản phẩm đồng đều về chất lượng mẫu mã. Hiện, sản phẩm của Công ty được xem là mặt hàng cao cấp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá trị tăng từ con cua lột rất cao, dao động từ 500.000 đồng/kg trở lên.
Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2022, Công ty đã triển khai thực hiện liên kết bao tiêu theo hợp đồng ký kết với 05 hộ nuôi cua biển để cung cấp nguồn cua làm cua lột và chuyển giao kỹ thuật theo hình thức nuôi thâm canh (mật độ cao), tổng diện tích khoảng 14ha (sản lượng dự kiến thu hoạch 1,2 tấn cua biển/ha/vụ). Do quy trình nuôi cua biển lột mật độ cao có thời gian ngắn (khoảng 60 ngày/vụ), nên người nuôi có thể sản xuất từ 04 – 05 vụ/năm và tạo sản lượng khá lớn cho người nuôi; góp phần làm tăng giá trị kinh tế trong nuôi cua biển.
Được biết, qua giai đoạn nuôi thực nghiệm được Công ty triển khai cho các hộ trong năm 2021, cho thấy lợi nhuận của người nuôi cua biển theo hướng cua lột đạt trên 55% so với tổng vốn đầu tư. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, hiện Công ty Cổ phẩn Vinacrab đã xây dựng và hoàn thành nhà máy chế biến cua lột, có công suất từ 10 – 15 tấn/tháng đặt tại thị xã Duyên Hải; dự kiến giai đoạn 2023 – 2024, nhà máy cung ứng ra thị trường khoảng 240 – 250 tấn cua lột/năm; riêng năm 2022 là 140 tấn.
Đối với mô hình nuôi cua cung ứng nguyên liệu làm cua lột, nông dân sẽ an tâm hơn nhờ sự ổn định về đầu ra, thời gian nuôi rút ngắn hơn cách nuôi cua biển truyền thống… Đặc biệt, giá trị kinh tế của mô hình nuôi cua biển lột mang lại cao gấp 02 – 2,5 lần so với nuôi cua thịt hay cua gạch. Về nguồn thức ăn trong nuôi cua biển và quy trình kỹ thuật đều do phía Công ty hỗ trợ trước và thu hồi lại sau khi cân cua.
Nuôi cua biển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Trà Vinh. Nhận thấy lợi ích từ cua biển, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng nuôi và xây dựng thương hiệu. Hiên nay, người nuôi cua biển còn liên kết với doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật nuôi cua biển lột cho giá trị cao gấp nhiều lần cua thương phẩm.