Quyết định học đại học để biết kỹ thuật nuôi lươn sạch theo tiêu chuẩn Vietgap sau lần nuôi lươn đồng thất bại, hướng đi này giúp anh Tân kiếm hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Thành Tân (31 tuổi, trú tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Cần Thơ) tập tành nuôi lươn đồng vào 12 năm trước. Thế nhưng giống lươn này không ổn định do tập tính sống còn hoang dã và săn bắt theo mùa vụ nên số lượng không nhiều, nuôi không bao lâu thì lươn chết, thất bại triền miên.
“Từ đó, tôi quyết định ôn thi vào trường Đại học Cần Thơ ngành Thủy sản để học hỏi bí quyết nuôi lươn sạch. May mắn tôi đã trúng tuyển”, anh Tân chia sẻ.
Anh Tân thực hành ngay với bể lươn sẵn có ở nhà khi tiếp thu được những kiến thức trên giảng đường. Nhờ được đào tạo và nắm được kỹ năng nuôi lươn nên mô hình có nhiều tiến triển.
Đặc biệt tại đây anh Tân học được phương pháp nuôi lươn Vietgap theo công nghệ tuần hoàn nước. “Nuôi lươn theo mô hình này được thiết kế gồm bể bằng xi măng được kết nối với hệ thống tuần hoàn nước có một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước.
Bên trong bể nuôi lươn được đặt giá thể là dây nilon màu đen cột thành chùm cho lươn ươm trú ẩn. Mô hình này vừa giúp tiết kiệm nước mà lươn mau lớn hơn so với cách nuôi thông thường”, anh Tân giới thiệu về công nghệ tuần hoàn nước.
Hệ thống tuần hoàn nước có thể tái sử dụng sau quá trình xử lý của vi sinh vật, giảm công thay nước hằng ngày. Trung bình cứ 2 tuần anh Tân thay nước 1 lần. Nhờ đó, môi trường nước ít bị xáo trộn, lươn không bị “động ổ” nên lớn nhanh, hạn chế bệnh tật – theo anh nông dân 9X.
Tính đến nay anh Tân đã là chủ trang trại lươn tổng diện tích hơn 5.000m2 chia làm 2 khu gồm khu ươm lươn giống và khu nuôi lươn thương phẩm, lươn sinh sản.
“Hiện khu nuôi sinh sản có 78 bể nuôi lươn sinh sản với tổng đàn lươn bố mẹ hơn 2,5 tấn. Cơ sở tôi có 2 loại bể nuôi lươn, gồm bể composite và bể xi măng, mỗi bể diện tích 24m2, mật độ thả nuôi 350-380 con/m2”, anh Tân cho hay.
Anh nông dân 9X chia sẻ bí quyết nuôi lươn không bùn hiệu quả: Sau khi thả giống phải phân cỡ lươn, phân 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng đến khi lươn đạt trọng lượng 100 con/kg (tương đương 10g/con). Ưu điểm của việc phân cỡ giúp kích lươn đồng đều hạn chế tình trạng phân đàn, cạnh tranh lẫn nhau.
“Từ lúc thả giống đến khi thu hoạch lươn thịt mất từ 12 đến 14 tháng (tùy mẫu con giống thả). Giai đoạn lươn mới nở cho ăn trùn chỉ, sau khi lươn đạt 1 tháng 20 ngày tuổi thì chuyển sang thức ăn viên công nghiệp và cho ăn kéo dài tới lúc thu hoạch”, anh nói thêm.
Do nuôi lươn theo tiêu chuẩn Vietgap nên lươn thương phẩm anh Tân phải đăng ký trước mỗi năm, với quy mô hiện tại tôi cung cấp 4,7 tấn/năm. Mỗi kg lươn anh lãi 25.000-30.000 đồng, ước tính lợi nhuận trên nửa tỷ đồng.
Theo Dân Việt
- Chiêm ngưỡng 2 "dinh thự" cổ của vua Bảo Đại ở Hà Nội
- Cha mẹ hãy nhớ: Đừng khóc lóc trước mặt con cái khi nghèo túng mà hãy dạy chúng nỗ lực thoát nghèo
- Lao vào “sốt đất” như thiêu thân, 50 tuổi nhận trái đắng phải tay trắng gây dựng lại cuộc sống.
- Đòn roi chính là sự "bất lực" trong cách giáo dục con cái của cha mẹ
- Nhạc sĩ Tô Hiếu – người bị Thương Tín tố ăn chặn tiền yêu cầu gặp nam diễn viên, sẽ công bố video gây sốc