Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
147 lượt xem

Nuôi thành công loài chim nhả “vàng”, 8X Thanh Hóa thu tiền tỷ mỗi năm

Anh Nguyễn Văn Tú đã thành công trong việc “khắc chế” cái giá lạnh của mùa đông ở miền Bắc Trung Bộ, xây dựng mô hình nuôi chim yến trong nhà cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Nhà 2 tầng dành tầng 2 và tum nuôi chim…tiền tỷ

Chúng tôi tìm về khu nhà nuôi chim yến và cơ sở sản xuất các sản phẩm yến sào của anh Nguyễn Văn Tú (SN 1989, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Đây là mô hình nuôi chim yến trong nhà đầu tiên ở vùng quê này. Một ngôi nhà 2,5 tầng khang trang nhưng gia đình anh chỉ ở tầng 1, còn tầng 2 và tum dành cho chim làm tổ.

Anh Tú cho biết, cái hay của nuôi chim yến chính là không phải đầu tư mua giống và thức ăn cho chim. Chỉ cần đầu tư một lần vào cơ sở hạ tầng đúng cách, sau đó mua phân chim trát lên tường để tạo mùi, dùng hệ thống loa nhỏ phát âm thanh tiếng chim để dụ những con chim yến tự nhiên về làm tổ.

Từ một số chim yến ban đầu, chúng dần sinh sôi, nảy nở, tách đôi ra làm tổ mới. Cùng với việc chim mới ngoài tự nhiên luôn tìm đến, số lượng chim và tổ cứ thế tăng dần, cho số lần khai thác tổ ngày càng nhiều qua mỗi năm.

“Mặc dù lý thuyết là vậy, song để làm được điều đó cũng không phải dễ, tất cả phải qua kinh nghiệm. Và để có được những kinh nghiệm ấy, tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như khuynh gia bại sản”, anh Tú cười nói.

Anh Tú kể lại, trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh chỉ học hết cấp 2 thì phải tạm gác lại việc học hành, vào Nam làm kinh tế phụ giúp gia đình.

Chính trong quá trình mưu sinh trên vùng đất này đã cho anh cơ hội biết đến mô hình nuôi chim yến trong nhà. Thấy đây là mô hình kinh tế hiệu quả cao, anh đã tìm đến các cơ sở sản xuất yến có uy tín ở Nha Trang – Khánh Hòa để học tập.

Ban đầu, anh xin đi làm thợ, phụ giúp lắp đặt nhà yến cho khách hàng ở các nơi. Sau khi thấy học hỏi được đủ kinh nghiệm cũng như kiến thức, anh Tú trở về quê động viên bố mẹ, vay tiền xây dựng nhà yến rộng hàng chục mét vuông để nuôi chim yến.

Anh Tú cho biết: Nhờ đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà yến của anh đã thu hút được lượng lớn chim yến về làm tổ, sinh sản định kỳ. Cứ nghĩ mọi chuyện thuận lợi, nhưng khi cái lạnh của mùa đông tràn về cũng là lúc chim yến cứ thế yếu đi và lăn ra chết. Mùa đông năm 2015, toàn bộ 2.000 con chim yến của anh bị chết cóng.

Không từ bỏ, anh Tú đầu tư lắp đặt hệ thống lò sưởi điện để “đối phó” với những mùa đông sau. Với biện pháp này, anh Tú đã thành công nuôi chim yến trong nhà tại miền bắc mà không lo sợ vì giá rét.

Bí quyết nuôi yến trong nhà ở miền Bắc

Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà, anh Nguyễn Văn Tú cho biết, việc nuôi chim yến không khó, không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu tùy vào điều kiện của từng người để xây dựng. Tuy nhiên quá trình xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật thì yến mới đến sống và làm tổ.

Do chim yến thích bóng tối nên ngoài một khoảng trên tum làm nơi để chim yến ra vào, anh Tú không thiết kế thêm cửa sổ hay cửa chính nào nữa. Anh chỉ đặt các hàng ống nước trên tường làm lỗ thông hơi cho chim thoáng mát. Cách bài trí trần gỗ làm sao càng giống hang động tự nhiên, càng nhiều ngóc ngách càng tốt.

Cũng theo anh Tú, môi trường trong nhà yến phải đảm bảo duy trì độ ẩm từ 80 -90%; nhiệt độ khoảng 30 độ C, trần nhà nuôi yến không cao quá 2,6m và diện tích mỗi phòng không quá 15m2.

Đặc biệt, ở miền Bắc, nhà nuôi yến luôn phải có hệ thống phòng chống rét cho chim yến trong mùa đông. Hiện khu nhà yến của anh Tú đang tạo nơi cư trú cho khoảng 4.000 – 5.000 con chim yến.

Có được những thành công ban đầu, năm 2017, anh Tú đã quyết định thành lập Công ty Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ yến sào thô, yến sào tinh chế và yến đóng hũ, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đối với yến thô, mỗi năm anh Tú duy trì xuất bán khoảng 50 – 60kg. Với giá bán từ 20 – 22 triệu đồng/kg, năm 2021 vừa qua anh thu về trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, anh mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc để chế biến các sản phẩm từ tổ yến. Hiện công ty của anh chuyên sản xuất và chế biến 12 dòng sản phẩm như: yến chưng, yến rút lông khô xuất khẩu, tổ yến sợi, tổ yến tinh chế… Mỗi tháng, công ty xuất bán trên 60.000 hũ yến chưng, cho doanh thu trên 500 triệu đồng.

Anh Tú cho biết, yến sào được xem như một loại cao lương mỹ vị có hàm lượng dinh dưỡng cao rất tốt cho sức khỏe. Trong yến sào có nhiều thành phần dinh dưỡng vi lượng thiết yếu mà cơ thể con người không tổng hợp được. Do đó, loại thực phẩm này được rất nhiều người săn đón, nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Thời điểm bùng dịch cũng là lúc các mặt hàng yến của anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Nhờ mô hình nuôi yến thành công, anh Tú đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, hai sản phẩm Tổ yến sào và Tổ yến sào chưng của gia đình anh đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chuẩn 3 sao, sau đó được nâng 4 sao năm 2021.

Ngoài ra, công ty của anh Tú cũng phát triển thêm dịch vụ xây lắp nhà yến. Đến nay, công ty đã tiến hành xây lắp và chuyển giao công nghệ nuôi cho khoảng 200 cơ sở nuôi yến trong và ngoài tỉnh.

Bài viết cùng chủ đề: