Cha mẹ nào cũng chọn hy sinh, chọn vì con cháu. Thế nhưng con cháu có nghĩ giùm cha mẹ già hay chưa?
Buổi tối tôi đi tập thể dục, thấy dì Năm hàng xóm đang bế cu Tết (11 tháng tuổi) tha thẩn ngoài đường. Nhìn vào nhà, thấy anh Quân và chị Diễm (con trai và con dâu dì Năm) đang nằm thảnh thơi xem tivi, tôi chạnh lòng, nói với dì: “Dì giữ cu Tết cả ngày mệt rồi, sao không giao lại cho ba mẹ nó”.
Dì Năm len lén ngó vào cửa thì thầm: “Con dâu tôi bảo đi làm cả ngày mệt lắm cô. Tôi ở nhà có mỗi việc trông cháu thì trông nốt cho vợ chồng nó nghỉ ngơi”. Mấy lời cuối, dì Năm nói nghèn nghẹn.
Dì Năm lên ở với vợ chồng anh Quân từ lúc cu Tết được sáu tháng, chị Diễm đi làm trở lại. Bà già 70 tuổi chăm đứa trẻ cực thế nào thì ai cũng biết. Tôi từng xem clip ông bố bế con đi tới đi lui dỗ ngủ. Anh vừa rón rén đặt con xuống giường thì con khóc ré, lại phải bế lên. Tới lần thứ 3 anh mới thành công. Anh nằm xoài ra, mệt lả. Đàn ông còn chịu không thấu cảnh giữ con, người già sẽ chịu đựng thế nào?
Chị Diễm hay than với lối xóm dì Năm hậu đậu. Chị dặn pha sữa phải bao nhiêu ml nước nóng, nước lạnh, mấy gam sữa… dì Năm cứ áng chừng. Quần áo cu Tết dì giặt kiểu gì vẫn vàng khè. Dì để cháu bị muỗi chích, té ngã, chăm cháu lên cân chậm…
Mỗi khi nghe con dâu tố khổ, dì Năm cúi đầu như người có lỗi. Hẳn dì nghĩ cho cu Tết, cho anh Quân nên nhẫn nhịn ở lại đây làm Ôsin.
Có bữa tôi về nhà giữa trưa, thấy dì bày mấy cái chén con con cho cu Tết chơi trò bán hủ tíu. Hơn hai tiếng, cu Tết vẫn còn miệt mài đổ nước từ chén này sang chén kia. Dì Năm thì mòn mỏi ngồi dựa bên thềm trông chừng cháu. Lẽ ra giờ này dì được ngả lưng trên giường mới phải.
Dì hay kể với tôi về căn nhà ở quê có cây mận ở góc sân, có vườn rau xanh và đàn gà vịt sau nhà. “Ông nhà tôi cứ hối về cô ạ. Tôi cũng muốn về lắm, mà xót cháu nên không nỡ”, câu nói của dì khiến tôi xót lòng.
Cha mẹ nào cũng vì con cháu. Thế nhưng con cháu có nghĩ giùm cha mẹ già?
Cô Út tôi lúc về hưu đã cưới gả xong cho hai người con. Cô dượng thảnh thơi đi du lịch nơi này nơi kia. Cô chia sẻ lên Facebook mấy clip khuyên người già nên sống thế nào để được khỏe vui. Cô Út tuyên bố: “Con ai mấy chăm. Mình chăm con đủ rồi, con cái tự chăm con của nó”.
Thế nhưng khi con dâu sinh đứa cháu đầu tiên, cô Út lẹ lẹ rước về vì con trai cô nói “giao cho người làm không yên tâm”. Cô Út tuyên bố sẽ nuôi cháu ba tháng. Tới giờ đứa nhỏ đã thôi nôi vẫn ở nhà cô dượng.
Cô dượng đều có bệnh cao huyết áp. Thế nhưng đứa trẻ nào chẳng lâu lâu thức đêm quậy chơi một bữa. Cô dượng bệnh thì đi bác sĩ, khỏe chút lại lăn lóc với cháu. Cô nói ruột thịt của mình thì không thể bỏ mặc. Vậy nên giờ cô Út bận rộn như bà mẹ con mọn, chẳng chút ngơi tay lại tàn tạ vì cháu.
“Ai sẽ chăm con khi mình đi làm?”, tôi mang câu hỏi này hỏi các đồng nghiệp nữ trong công ty. Một số chị trả lời: “Nội” hoặc ngoại chứ ai”. Ai cũng nghĩ giao con cho bảo mẫu thì thấp thỏm không yên. Con không lên cân cũng lo, con lờ đờ không ngủ cũng lo. Cả ngày đi làm mà điện thoại lăm lăm trong tay, mở camera xem bảo mẫu có đánh con không, có tung con lên xuống như mấy cái clip bạo hành kinh hoàng trên mạng hay không?
Một số khác vẫn chọn thuê bảo mẫu, bởi cha mẹ già đã nhọc nhằn cả đời, hy sinh cả đời. Hãy để cha mẹ được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống thanh nhàn.
Trên nhiều hội nhóm phụ nữ, các bà mẹ bỉm sữa giới thiệu cho nhau bảo mẫu A B C có tâm, chỗ kia giữ trẻ uy tín. Một số gia đình chọn chồng hoặc vợ lui về chăm con. Tiền có thể từ từ kiếm, tuổi thơ con chỉ có một lần. Đứa trẻ có ba mẹ kề cận trong những năm đầu đời sẽ phát triển tốt hơn, chỉ số EQ, IQ cũng cao hơn…
Lựa chọn cách nào tùy hoàn cảnh, điều kiện, nhưng phải ưu tiên để cha mẹ già được nghỉ ngơi. Cha mẹ hy sinh vì chúng ta đã đủ, họ không có nhiệm vụ hy sinh vì con cái của chúng ta. Chặng đường của cha mẹ còn được bao nhiêu? Vậy nên hãy để cha mẹ sống theo cách cha mẹ muốn, làm những gì cha mẹ thích.
- "Bỏ phố về quê làm nông dân sẽ thất bại"
- Vợ chồng mua nhà đất rồi cho thuê, bản thân mình đi ở trọ: Vừa đầu tư thông thái vừa tận hưởng văn minh
- Cha mẹ chỉ có "GIÁ TRỊ" trong 10 năm, phải chú ý đến 3 GIAI ĐOẠN này để "con trai thành rồng, con gái thành phượng"
- Chị nông dân nuôi gà bằng thảo dược chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng đón nhận, lãi hàng chục triệu mỗi tháng
- Hà Nội nghiên cứu xây dựng thêm ba hầm chui, vốn đầu tư gần 4.500 tỉ đồng