Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, thành phố có 10,5-11 triệu dân, 5 vùng kinh tế xã hội, 5 vùng đô thị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12.12 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng diện tích tự nhiên lập quy hoạch là 3.359,84km2.

Về mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5-9,5% thời kỳ 2021-2030. Quy mô dân số thường trú khoảng 10,5-11 triệu người.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới – giá trị mới” để phát triển Thủ đô “văn hiến – văn minh – hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Về quan điểm tổ chức không gian, Hà Nội được sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế – xã hội theo cấu trúc tâm – tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển kinh tế – xã hội, liên kết vùng, cả nước và quốc tế; gắn kết chặt chẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa; phát triển hài hòa đô thị và nông thôn.

Phát triển, khai thác có hiệu quả, hài hòa 5 không gian: Không gian công cộng, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa – sáng tạo và không gian số.

Sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: Đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị khoa học công nghệ, đô thị sân bay, đô thị du lịch…

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, 5 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là bảo vệ môi trường và cảnh quan; phát triển đô thị và nông thôn; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa – xã hội và phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

4 khâu đột phá gồm: Thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được xác định theo mô hình: 5 không gian phát triển – 5 hành lang và vành đai kinh tế – 5 trục động lực phát triển – 5 vùng kinh tế, xã hội – 5 vùng đô thị

Trong đó, 5 không gian phát triển gồm không gian trên cao, không gian ngầm dưới mặt đất, không gian công cộng, không gian văn hoá sáng tạo và không gian số.

Các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

5 trục động lực gồm; trục sông hồng; trục Hồ Tây – Cổ Loa; Nhật Tân – Nội Bài; Hồ Tây – Ba Vì và trục phía Nam.

5 vùng kinh tế xã hội: Vùng trung tâm (gồm khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng); vùng phía Đông; vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc.

5 vùng đô thị được phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây – Ba Vì…