Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” dù mới lên sóng VTV nhưng đã gây tranh cãi về trang phục. Phim bị cho là có nhiều hình ảnh khác với cuộc sống bên ngoài của người dân tộc Dao đỏ.

“Người Dao không mặc lễ phục khi đi chăn trâu”

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ lên sóng từ 31/7, khắc họa cuộc sống của Pu (Thu Hà Ceri) – cô gái 18 tuổi người Dao đỏ –  trên con đường trưởng thành.

Trong phim, người được ghép đôi với Pu là Chải (Long Vũ) – thanh niên giàu nhất bản. Chải yêu Pu say đắm và tìm mọi cách để cưới cô. Điều này cũng gây không ít cản trở đối với Pu trên con đường học vấn.

Phim Đi giữa trời rực rỡ tranh cãi về trang phục dân tộc, ê-kíp nói gì? - 1
Diễn viên Long Vũ (trái) và Thu Hà (phải) ở hậu trường phim “Đi giữa trời rực rỡ” (Ảnh: Facebook nhân vật).

Bên cạnh những lời khen về cảnh quay hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên vùng cao kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ có một số chỗ chưa phù hợp với thực tế.

“Người Dao không mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ đi chăn trâu như trong phim. Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi”, “Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ”, Người Dao không hề coi thường nữ giới. Phụ nữ và đàn ông trong gia đình ngang hàng”… là những bình luận của một bộ phận người dân tộc Dao về bộ phim.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng – Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc”, là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim – cho biết, khi có những ý kiến trái chiều về phim anh mới tìm xem tác phẩm. Dù bộ phim mới chiếu 5 tập nhưng anh thấy Đi giữa trời rực rỡ có một số “hạt sạn”, nhiều hình ảnh chưa đúng với lối sống, sinh hoạt của người Dao đỏ.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng nói, trong phim, nữ chính tên Pu mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là chưa đúng. Nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa, đây là hình ảnh sai lệch, tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ng*c của phụ nữ để ra đường.

Hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kị của người Dao. Người Dao không coi thường nữ giới. Dù phụ nữ ngồi ăn dưới bếp, đàn ông được ngồi gian giữa, nhưng đồ ăn là như nhau, mâm đàn ông uống rượu, thì phụ nữ cũng có rượu. Người Dao không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình.

Ông Năng thông tin thêm, người Dao cũng không xưng “mày – tao” với cán bộ giống trên phim, họ xưng hô bình thường “cô, chú, anh chị” như người Kinh.

“Dân tộc Dao có hơn 25 loại hình trang phục khác nhau của các nhóm dân tộc. Sự đa dạng ấy của người Dao xứng đáng được tôn vinh ở góc nhìn bản sắc, góc nhìn tích hợp các sáng tạo trong lịch sử của tiền nhân.

Người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… chứ không bao giờ tùy tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các lễ hội. Với những thói quen, tập quán của người Dao, ê-kíp nên tìm hiểu, lăn lộn thì mới hiểu được.

Điều đó cũng làm khó những nhà làm phim, tổ chức sự kiện nhưng cần có sự tham gia của các chuyên gia tộc người để văn hóa dân tộc thiểu số được truyền tải không chỉ đẹp mà đúng, để cộng đồng chủ thể văn hóa nhận ra mình, nhận là của mình mà quan tâm tới sản phẩm đó”, ông Bàn Tuấn Năng chia sẻ.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết, khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số, ngoài tư duy hình ảnh, cần có thêm các kiến thức tối thiểu về dân tộc học (các phong tục đặc trưng, các cấm kỵ cơ bản trong đời sống – phong tục…), nếu không, dù vô tình phim đã truyền tải sai cả những cấm kỵ – phần thiêng liêng nhất của mỗi nền văn hóa.

“Có thể, khi quay, ê-kíp đã hỏi người dân sở tại nhưng vẫn sai vì lúc ấy người dân quan niệm rằng, được đóng phim, tức là được đi chơi, được làm “giả vờ” nên mới có những hình ảnh sai lệch như vậy… Còn khi hành lễ thực sự thì đó  những nguyên tắc “bất di bất dịch” của người bản địa…”, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng thẳng thắn.

Đạo diễn phim chủ động gặp chuyên gia tại nhà riêng

Ông Tuấn Năng cho biết thêm, sau khi ông lên tiếng, bình luận góp ý tại trang VTV Giải trí, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đã chủ động liên hệ và gặp ông.

“Tôi rất cởi mở và gặp đạo diễn tại nhà riêng. Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 120 phút. Đạo diễn Sơn có bày tỏ việc đã nhận ra một vài điểm sai trong phim, nhưng vẫn nói rằng, mình chủ ý cho nam diễn viên đeo chiếc yếm nữ của mẹ vì nhớ mẹ. Tôi nói rõ: Văn hóa của người Dao có những cấm kỵ, cần phải được tôn trọng.

Kết thúc cuộc trao đổi, tôi nhận thấy các bạn ấy dù biết lỗi, nhưng chưa đủ khả năng nhập tâm vào đời sống văn hóa của người Dao một cách nghiêm túc. Và như vậy, họ vẫn bị chi phối bởi văn hóa của cộng đồng dân tộc đa số, thì khó lòng thành công được khi phản ánh về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi.

Nhất là khi những người làm phim lại thường nhận được sự cổ súy của một bộ phận công chúng thiếu hiểu biết sâu về bản sắc văn hóa người Dao”, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng kể lại.

Phim Đi giữa trời rực rỡ tranh cãi về trang phục dân tộc, ê-kíp nói gì? - 2

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, người Dao không mặc lễ phục để đi chăn trâu như trong phim (Ảnh: Chụp màn hình).

Nói về những tranh cãi trong phim, ông Chu Triều Đương – Nguyên chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Cao Bằng, người Dao ở Nguyên Bình (Cao Bằng) – cho biết, người Dao không đặt tên con gái là Pu vì tên đó có nghĩa “thằng Bảo – bảo vật”, là tên con trai. Một số tập tục của người Dao trên phim cũng chưa đúng với người bản địa nên dẫn đến những ý kiến trái chiều về phim.

“Người Dao hiện nay cũng rất văn minh, họ cũng không có tư duy “ghét người giàu” như trong phim. Phim nói đến việc này là hơi lỗi thời và chưa phù hợp với văn hóa của người Dao…”, ông Chu Triều Đương thẳng thắn.

Trong khi đó, đại diện Phòng nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, khi làm phim, ê-kíp có văn bản yêu cầu Sở hỗ trợ địa điểm và tư vấn khi làm phim.

“Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho đoàn phim quay ở địa phương. Phim cũng có sự tư vấn của chuyên gia văn hóa ở Nguyên Bình (Cao Bằng). Về những tranh cãi, có thể hỏi phía đoàn phim”.

Chúng tôi đã liên hệ với đạo diễn Đỗ Thanh Sơn của phim Đi giữa trời rực rỡ để có những ý kiến nhiều chiều. Vị đạo diễn này cho biết: “Ê-kíp đã nhận được những thông tin về phim. Khi làm phim, chúng tôi có xin ý kiến của Sở Văn hóa Cao Bằng và có Phòng Văn hóa huyện Nguyên Bình hỗ trợ tư vấn. Hiện tại, nhà sản xuất đã yêu cầu đạo diễn gửi thông tin cho họ và họ sẽ gửi thông tin đến báo chí trong thời gian sớm nhất”.

Đi giữa trời rực rỡ xoay quanh cuộc sống của nhân vật Pu, đứng trước lựa chọn xuống Hà Nội học đại học, theo đuổi ước mơ hay lấy chồng, giúp gia đình trả nợ. Cuối cùng cô quyết định xuống thành phố.

Phim có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải và dàn diễn viên trẻ như: Long Vũ, Vương Anh, Võ Hoài Vũ, Hoàng Khánh Ly, Yên Đan, Quỳnh Châu…