Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
108 lượt xem

Quảng Nam: Trồng cây cho củ to bằng cổ tay, nhổ lên bán 200 nghìn đồng/kg lợi gấp 20 lần trồng lúa

Cứ 1ha cho khoảng 2 tấn củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/1kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng, lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa…

Đảng sâm hay còn gọi là đẳng sâm, thượng đảng nhân sâm, là loại cây cỏ sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5 – 2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân củ, thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi; lúc tươi màu trắng; sau khô rễ có màu vàng, có nếp nhăn.

Thân đảng sâm mọc thành từng cụm vào mùa xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới màu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3 – 8cm, rộng 2 – 4cm.

Đảng sâm được thu hái vào mùa đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá hoặc tới đầu xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi nảy lộc. Khi thu hái, phải đào cả rễ sâu trên 0,7m và không làm trầy xát.

Sau đó, rửa sạch bụi bặm, ủ nước một đêm, hoặc đồ thấy bốc hơi là được, khi mềm, bào mỏng 1-2 ly, tẩm nước gừng để bớt hàn, hoặc sao qua để dùng. Đảng sâm được bảo quản bằng cách đậy kín, tránh ẩm, cần để nơi thoáng gió, khô ráo để phòng sâu mốc vì đây là loạt thảo dược ngọt, rất dễ bị mọt.

Đảng sâm có thể phát triển tốt ở nhiều vùng rừng núi của nước ta, việc phát triển cây thuốc này giúp bảo vệ sức khỏe người dân, giúp người trồng có kinh tế khá giả.

Khu 7 (Tây Giang, Quảng Nam), gồm các xã: Ch’ơm, Ga Ry, A Xan, Tr’hy… tiếp giáp với nước bạn Lào, là căn cứ địa cách mạng nổi danh trong thời kháng chiến chống Mỹ; nhưng còn nổi tiếng bởi một loài cây rừng được đồng bào Cơ Tu phát hiện là cây đẳng sâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Để bảo tồn giống cây quý hiếm này, già làng Bling Ríu ở thôn Zơ Zượt (xã Ch’ơm) là người đầu tiên mạnh dạn đưa cây đẳng sâm rừng về trồng tại nương rẫy, vườn nhà mình.

Nhận thấy cây đẳng sâm bản địa là một cây “xóa đói giảm nghèo”, làm giàu đích thực cho người dân vùng biên giới này; Bling Ríu lên rừng đào hàng loạt cây giống mang về trồng trên nương rẫy của mình.

Nhiều người Cơ Tu ban đầu cho đó là việc làm lạ lùng và nói: “Ông già ni bị khùng! Cái cây nó mọc hoang trên rừng, mắc mớ chi đào nó về trồng cạnh nhà mình cho chật đất…”. Tuy nhiên, Bling Ríu chỉ cười vì biết rõ, khí hậu, đất đai vùng khu 7 rất hợp với cây đẳng sâm.

“Cứ làm rồi bà con khắc biết và làm theo” – Bling Ríu ngẫm nghĩ.

Sau gần 3 năm, ông Bling Ríu đã trồng hơn 3ha đẳng sâm tại rẫy nhà mình. Và cũng sau 4 năm, mỗi ha thu hoạch mang về cho “ông khùng” cả trăm triệu đồng…

Người Cơ Tu sở tại như bừng tỉnh, rủ nhau lên rừng tìm đẳng sâm về trồng trên nương rẫy nhà mình. Hiện tại, có 12 thôn ở xã Ch’ơm và Ga Ry nhà nào cũng có vườn đẳng sâm; nhiều gia đình trồng tới 5-6ha…

Đầu năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’ơm được thành lập, đặt phương hướng phát triển cây đẳng sâm và thu mua sản phẩm nhập cho một số doanh nghiệp chế biến tại huyện Tây Giang.

Đến nay, hợp tác xã có 32 hộ dân tham gia, với hơn 60ha đẳng sâm trồng tại 2 xã Ch’ơm và Ga ry.

Nếu hạch toán, 1ha trồng lúa mỗi năm một vụ chỉ thu chừng 2 tấn lúa, nếu bán chỉ chừng 16 triệu đồng; nhưng trồng đẳng sâm, 1ha cho khoảng 2 tấn củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/1kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng; lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa…

Ngoài ra, người dân còn thu hái lá để bán, trung bình 1kg lá sâm hiện nay cũng tới 35 nghìn đồng; là nguồn thu không nhỏ với người dân.

TH&SP

Bài viết cùng chủ đề: