Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
101 lượt xem

Quảng Ngãi: Cuốc một nhát bật lên con đặc sản xấu xí nhưng quý như “hải sâm”, giá 300 nghìn/kg vẫn được săn lùng

Người dân sống ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi xem sùng đất như loài “hải sâm trên cạn” không những vì hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt mà còn có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực và có tác dụng chữa được nhiều bệnh.

Lúc đầu mùa, sùng đất còn non màu trắng như sữa, mỗi con to bằng đầu đũa ăn cơm sau đó lớn hơn bằng khoảng ngón tay cái người lớn. Thân sùng đất có màu trắng đục, đầu màu vàng, và phần đầu có màu đen, phía dưới bụng có nhiều chân.

Người địa phương cho rằng sùng đất là côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất phù sa thiên nhiên, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại.

Nó thuộc dạng ấu trùng sống dưới những gốc cây sắn, ngô, lau sậy của bãi bồi, vùng đất pha cát ẩm thấp.

Công việc đào sùng đất thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ đến 10 giờ sáng và tiếp tục từ 14 giờ đến 17 giờ. Do đất bãi bồi hai bên bờ sông khá mềm nên dụng cụ đào sùng rất đơn giản chỉ cần một cái cuốc hoặc một cái xẻng và một cái xô.

Đào sùng đất phải nhẹ nhàng, không vội vã, vừa đào vừa quan sát nếu không sẽ làm con sùng không còn nguyên vẹn. Sùng đất đào được người dân bỏ ngay vào xô có đựng nước mang theo để giúp sùng không bị đổi màu và không bị khô nước bên trong.

Ông Lê Anh Đá (76 tuổi, ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sùng đất đấy, nhìn nó xấu xí vậy thôi chứ làm mồi nhậu thì ngon hết ý.

Ông giải thích thêm, chúng là loại ấu trùng của bọ rầy (loài sâu bọ phá hoại mùa màng), khi bọ rầy đẻ trứng trong đất một thời gian sau trứng nở ra ấu trùng ăn hết củ mì, cỏ, rồi phát triển thành nhộng. Hết vòng đời, nhộng sẽ thành bọ rầy chui lên mặt đất.

Ông Đá cho biết giá sùng đất năm nay cao, lên đến 250.000 đồng/kg, khiến người đi săn sùng đất dày đặc khắp bãi bồi. Thời điểm khan hiếm, loại đặc sản này có thể ở mức gần 300.000 đồng/kg. Bà Anh cho biết, nếu đào trúng những đám mì có nhiều sùng đất thì mỗi ngày một người được từ 2 – 4 kg, có hôm nhiều người được hơn 5 kg. Năm nào bà cũng kiếm được vài triệu đồng từ bán sùng đất.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết: “Hàng năm cứ đến mùa sùng đất là có hơn 200 hộ dân trong xã đi đào. Giá sùng hiện tại cũng tăng rất cao so với các năm trước, nhiều nhà hàng ở TP.Quảng Ngãi lên tận đây để tìm mua nhưng vẫn không mua được.”

Cách chế biến sùng đất khá đơn giản: Sùng đất đem về rửa sạch, ngắt phần đuôi và tuốt bỏ ruột, sau đó rửa sạch, ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm, muối… đợi khoảng 15 phút gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn.

Từ công đoạn này, sùng đất được chế biến thành những món ngon, hấp dẫn như: sùng rang, sùng nướng lá lốt, sùng tẩm bột để chiên, luộc, xào…

Nhưng ngon nhất vẫn là món sùng đất nướng hoặc rang giòn rồi cuốn với lá lốt non chấm muối ớt chanh. Sự khác lạ của món sùng nướng đất nằm ở hương vị ngòn ngọt, dai dai, thơm, ngon nhưng không béo ngậy, không chỉ là “mồi” đưa cay làm mê hoặc dân nhậu mà ngay cả những người sành ăn khó tính cũng tấm tắc ngật đầu khen ngon.

Không có gì hấp dẫn hơn khi trong những ngày mưa gió lạnh, được quây quần bên những người thân quen, cùng với chai rượu quê và vỉ sùng đất nướng tỏa hương thơm lừng trên bếp lửa than hồng ấm áp.

Bài viết cùng chủ đề: