Nhờ có cách nuôi dạy con đặc biệt này, bậc cha mẹ của quốc gia này gần như rất ‘nhàn’ khi dạy con, mà con cái thì độc lập, tự tin và lịch sự. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ trên thế giới vừa ngưỡng mộ, vừa tìm cách học tập theo những bí quyết này.
Theo tờ Reader’s Digest chỉ ra, cha mẹ Pháp hầu như không gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Phong cách giáo dục của họ được đúc kết thông qua 7 đặc điểm sau đây:
Cho phép trẻ được tò mò và khám phá
Ngay từ những năm đầu đời , cha mẹ người Pháp không giữ con trong nhà, bảo vệ con khỏi thế giới bên ngoài nhiều rủi ro mà họ luôn “thả cửa” để tự do khám phá cuộc sống và bản thân. Trẻ em được khuyến khích vui chơi, tự tập đi xe đạp, ở nhà một mình. Các em được đối xử như người lớn, cho tự làm mọi việc trong khả năng. Điều đó khiến nhiều trẻ hình thành câu nói cửa miệng rằng: “Tôi có thể làm được.”
Thông qua quá trình không ngừng tò mò và khám phá mọi thứ xung quanh, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn, đồng thời ghi nhớ lâu hơn. Khi tự mình phát hiện ra một thứ gì mới mẻ, tìm ra đáp án cho câu hỏi ban đầu, trẻ sẽ đạt được cảm giác ‘thành tựu’.
Ngược lại mà nói, nếu cha mẹ giúp trẻ làm mọi thứ, chúng sẽ quên ngay những khó khăn đó, không tự giác làm bất cứ việc gì bằng chính tự khả năng của mình.
Không nuôi con bằng ‘mật ngọt’
Các bậc cha mẹ người Pháp cho rằng, khen ngợi và khích lệ con là cách làm đúng, nhưng nếu quá nhiều thì có thể ảnh hưởng đến trẻ. Do vậy, chỉ khi con đang đối mặt với một việc rất khó vượt qua, họ mới không tiếc lời động viên và khen ngợi. Chẳng hặn như, họ không bao giờ khen ngợi khi trẻ biết nói, nhưng sẽ khen khi con nói được những từ ngữ khó hoặc ý nghĩa.
Họ cho rằng, khen ngợi vừa đủ, đúng nơi đúng chỗ mới thực sự là cách động viên thích hợp nhất cho con. Điều đó giúp trẻ sẽ thực sự cảm thấy tự hào và trân trọng những nỗ lực của mình, cũng không nảy sinh cảm giác tự mãn không cần thiết.
Ai cũng có thời gian và khoảng trống riêng tư
Người Pháp luôn quan niệm rằng: Cha mẹ là cha mẹ, con cái là con cái, là 2 thế hệ có thói quen, tư duy hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, ai cũng có những khoảng không gian, cộng đồng và mối QH riêng mà họ phải xây dựng. Bản thân trẻ cũng được khuyến khích nên có thời gian riêng cho bản thân.
Tại Pháp, người ta luôn mặc định rằng, cha mẹ là cha mẹ, con cái là con cái, đây là 2 nhóm độc lập có thói quen, tư duy hoàn toàn khác nhau. (Nguồn ảnh: CafeBiz)
Cảnh tượng thường thấy trong các gia đình Pháp sẽ là khi cha mẹ cần xử lý công việc, trẻ em sẽ tự chơi một mình với nhau. Hoặc khi cha mẹ chuẩn bị đi làm buổi sáng, trẻ sẽ tự ăn sáng và chuẩn bị quần áo, sách vở tới trường.
Như vậy, trẻ em Pháp được xây dựng tính độc lập, kỷ luật và hạn chế tối đa việc cha mẹ kiểm soát con quá nhiều.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Từ khi còn là trẻ sơ sinh, các bé đã được rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ một mình từ nhỏ. Nếu nửa đêm tỉnh giấc, trẻ sẽ tự tìm cách quay lại giấc ngủ, ít khi quấy khóc.
Nhờ duy trì thói quen này từ khi còn nhỏ, trẻ em Pháp thường rất tự giác khi đến giờ ngủ và ngủ nề nếp, không cần cha mẹ quát mắng.
Đưa rau củ vào bữa ăn
Trái cây và rau củ quả là thực phẩm hàng đầu mà cha mẹ Pháp khuyến khích con ăn. Họ đưa nhiều loại rau củ quả vào bữa ăn của trẻ bằng nhiều cách, chế biến đa dạng, kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Để làm gương cho con, phụ huynh cũng thường xuyên ăn nhiều rau, điều này giúp trẻ luyện vị giác, tránh việc kén ăn, lười ăn rau.
Trẻ được dạy cách cư xử lịch sự
Người Pháp luôn đề cao sự tinh tế và lịch sự. Họ truyền lại tư duy này cho con cháu từ rất sớm. Trẻ em Pháp luôn được dạy phải chào hỏi mọi người khi gặp mặt, nắm rõ quy tắc ứng xử kính trên nhường dưới và tôn trọng những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Việc chào hỏi gần như là một yêu cầu cơ bản và quan trọng đối với mỗi đứa trẻ. Lời chào cần phải to, rõ ràng, đó như một cách để khẳng định sự hiện diện của bản thân, từ đó góp phần xây dựng sự tự tin, kết nối với cộng đồng.
Chấp nhận khả năng bị từ chối
Nhiều bậc cha mẹ luôn đau đầu khi dẫn con đi chơi, đi siêu thị vì trẻ sẽ dừng lại trước một (hoặc nhiều) món đồ chơi, khóc lóc, ăn vạ đủ kiểu để đòi mua bằng được. Cho dù ban đầu cha mẹ có thể nói “không” một cách đanh thép, nhưng thấy con quấy quá lại đành nhượng bộ, mua cho trẻ.
Trường hợp này lặp đi lặp lại nhiều lần, thái độ của cha mẹ không cương quyết càng khiến trẻ hình thành tư duy: Chỉ cần quấy khóc sẽ đạt được thứ mình muốn.
Cha mẹ Pháp sẽ không làm như vậy. Từ khi con còn nhỏ, họ dạy cho trẻ biết rằng: Không là không. Nếu yêu cầu của con không hợp lý, họ sẽ cương quyết từ chối mà không hề khoan nhượng.
Thời gian đầu, trẻ sẽ khóc to, giận dữ nhưng cha mẹ không chùn bước hay thay đổi ý định. Trải qua những lần đòi hỏi thất bại, trẻ hiểu rằng khóc to đòi mua đồ là vô nghĩa, khi cha mẹ nói không thì không thể suy chuyển được. Dần dần, trẻ học cách chấp nhận việc bị từ chối mà không lời than vãn hay ăn vạ nữa.
Thói quen này giúp trẻ trưởng thành trong sự khiêm tốn, bình ổn, hiểu rằng bản thân mình không phải là trung tâm, thế giới không xoay quanh mình, mọi người hoàn toàn có thể phớt lờ, từ chối những yêu cầu của chúng.