Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải sớm triển khai xây dựng cầu Tứ Liên, phía cơ quan chức năng Hà Nội vừa có thông tin cập nhật về tiến độ dự án này.
Năm 2025 hoàn tất thủ tục, chuẩn bị đầu tư
Ngày 28.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Qua nghiên cứu đã lập phương án kỹ thuật, trong đó xác định chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Trong đó, cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km; đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Tổng mức đầu tư 22.000 tỉ đồng.
Vị lãnh đạo này thông tin: “Theo dự kiến, năm 2025 dự án xây dựng cầu Tứ Liên có thể hoàn tất khâu thủ tục để chuẩn bị đầu tư”.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, vào đầu tháng 9.2024, UBND TP Hà Nội đã có thông báo giao lại dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu thành phố chuyển dự án này sang hình thức đầu tư công.
Sở Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố sẽ triển khai phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu. Còn huyện Đông Anh sẽ làm chủ đầu tư phần từ Quốc lộ 5 đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Về quá trình triển khai dự án này, trao đổi với PV Báo Lao Động, phía UBND huyện Đông Anh cho biết, việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu là mong mỏi của nhân dân và chính quyền huyện Đông Anh.
Ngày 3.10, UBND huyện Đông Anh đã có Tờ trình số 251/TTr-UBND về việc giao nhiệm vụ lập chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính đô thị (TC17) đoạn từ đường Trường Sa đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, trong đó đề xuất sử dụng ngân sách Thành phố và một phần ngân sách huyện Đông Anh.
Gần đây nhất vào ngày 11.10, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5333/QĐ-UBND, trong đó giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. UBND TP giao UBND huyện Đông Anh nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng ngân sách huyện để đối ứng đầu tư tuyến đường đoạn từ đường Trường Sa đến đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích
Liên quan dự án này, chiều ngày 25.10 vừa qua, kiểm tra tình hình triển khai dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng Trung tâm và triển khai xây dựng cầu Tứ Liên để chào mừng các ngày lễ lớn, trở thành những công trình biểu tượng.
Nhất trí chủ trương triển khai dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải sớm triển khai dự án này, song đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Cầu Tứ Liên không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, làm đẹp thêm Thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài viết “Cầu vượt sông Hồng oằn mình vì quá tải” đã nêu lên thực trạng đáng “báo động” khi nhiều cầu vượt sông Hồng thường xuyên xuất hiện tình trạng quá tải, lưu lượng phương tiện gấp nhiều lần so với thiết kế.
Trong khi đó, những dự án cầu mới như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo vẫn chưa có thông tin rõ ràng về thời điểm triển khai.
Trong bài viết “Cầu Tứ Liên gần trọn thập kỷ chưa hẹn ngày khởi công”, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quản lý dự án giao thông cho rằng, việc chậm trễ xây dựng những cầu mới vượt sông Hồng sẽ dẫn đến các vùng có tiềm năng phát triển bị kìm hãm. Còn với những khu vực đã phát triển rồi sẽ tạo ra áp lực giao thông rất lớn lên những cây cầu hiện có.